TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ VẤN ĐỀ HỌC TẬP

0
428

   Chủ tịch Hồ Chí Minh – lãnh tụ vĩ đại của cách mạng Việt Nam, đồng thời là nhà giáo, nhà văn hóa lớn của thế giới, người sáng lập, đặt nền móng và chỉ đạo việc xây dựng nền giáo dục mới của Việt Nam. Tư tưởng giáo dục Hồ Chí Minh là sự kế thừa, tiếp thu có chọn lọc, sáng tạo từ chủ nghĩa yêu nước, truyền thống văn hóa, giáo dục và tinh thần nhân ái Việt Nam, từ triết lý giáo dục phương Đông và nhất là chủ nghĩa Mác – Lênin. Trên cơ sở đó và cùng với quá trình hoạt động thực tiễn cách mạng của mình, Người đã đưa ra quan điểm hết sức sâu sắc và mới mẻ về vai trò, mục đích, nội dung và phương pháp giáo dục. Đúng như Nghị quyết UNESCO đánh giá: “Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh truyền thống hàng ngàn năm của nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.

   Mục tiêu cao cả của Chủ tịch Hồ Chí Minh là mục tiêu mà Người nguyện suốt đời phấn đấu làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Đây vừa là mục tiêu, vừa là khát vọng “tột bậc” của Người. Trong mỗi giai đoạn cách mạng, dù ở trong hoàn cảnh nào, Người cũng là chiến sĩ tiên phong đi vào phong trào quần chúng, huấn luyện và tổ chức quần chúng trong cuộc đấu tranh giành tự do độc lập, giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân phong kiến, của hệ tư tưởng lạc hậu, tạo mọi điều kiện cho mỗi dân tộc và mỗi người dân Việt Nam đứng lên làm chủ nền văn hóa, làm chủ vận mệnh và tương lai của mình. Từ việc nhận thức sâu sắc rằng, không có tri thức, người dân thuộc địa không thể có chìa khóa mở cánh cửa độc lập, tự do, năm 1919 tại hội nghị Véc xây, Người đã đòi quyền được “tự do học tập” cho nhân dân bản xứ. Từ năm 1925 đến 1927, tại Quảng Châu, Trung Quốc, với tư cách là giảng viên chính của lớp huấn luyện chính trị, Người đã góp phần tạo dựng một đội ngủ cán bộ đầu nguồn, cốt cán cho phong trào cách mạng Việt Nam, chuẩn bị cho sự ra đời của một chính đảng vô sản kiểu mới. Năm 1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời mang lại nền giáo dục mà ở đó mọi người đều có cơ hội phát huy khả năng sáng tạo, đều được học hành, không phân biệt giai cấp, tuổi tác, trình độ, giới tính…

   Tuy Chủ tịch Hồ Chí Minh không để lại cho chúng ta một tác phẩm, một hệ thống lý luận về phương pháp giáo dục, nhưng những việc làm thiết thực, những bài viết ngắn gọn, súc tích của Người đã hàm chứa các phương pháp giáo dục mẫu mực. Người lấy nguyên tắc thống nhất giữa lý luận và thực tiễn làm nguyên tắc cơ bản cho việc xây dựng các phương pháp về giáo dục. Nguyên tắc này được Người sử dụng trong việc giáo dục cán bộ, đảng viên, thanh thiếu niên, công nhân, nông dân, bộ đội, trí thức, học sinh, sinh viên… Nó được coi như “kim chỉ nam” xâu chuỗi trong nhận thức, hành động và bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho tất cả mọi người. Hơn thế, nguyên tắc này có tính chất quyết định trong việc chuyển hướng giáo dục và trở thành đặc trưng của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa. Người nhấn mạnh: “Học phải suy nghĩ, học phải liên hệ với thực tế, phải có thí nghiệm và thực hành. Học với hành phải kết hợp với nhau”.

   Những tư tưởng giáo dục lớn lao và sâu sắc nói trên, cùng với nhân cách vô cùng cao đẹp và mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa Người lên vị trí một nhà giáo dục vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Với cuốn sách Tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề học tập do Nhà xuất bản Thanh niên ấn hảnh năm 2017, sách dày 280 trang, khẳng định, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giáo dục không chỉ là cơ sở lý luận cho việc xác định chiến lược đào tạo con người, chủ trương, đường lối chỉ đạo phát triển nền giáo dục Việt Nam của Đảng Cộng sản Việt Nam qua các thời kỳ cách mạng, mà còn là những bài học, những kinh nghiệm thực tiễn giáo dục hết sức sinh động, thiết thực và hiệu quả đối với người làm công tác giáo dục nói riêng, ngành giáo dục nói chung hiện nay.

Vân Trà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây