CHA ÔNG TA VỚI VIỆC KHUYẾN HỌC

0
305

   Phong trào học tập suốt đời đã trở thành một hoạt động văn hóa không thể thiếu của mỗi người dân, gia đình, dòng tộc, thôn, tổ dân phố, các tổ chức, cơ quan, đoàn thể. Học tập để gắn kết chặt chẽ với các phòng trào toàn dân đoàn  kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… tạo sức lan tỏa rộng trong cộng đồng dân cư, góp phần phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, xây dựng môi trường sống an toàn, tràn ngập nghĩa tình của người Việt Nam.

   Nhắc lại lời dạy của Bác Hồ “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, cùng với truyền thống anh hùng, văn hiến, hiếu học của dân tộc, cha ông ta quan niệm học vấn, giáo dục có vai trò thiêng liêng đối với việc giúp con người bản lĩnh, trí tuệ: “Ngọc bất trác bất thành khí, nhân bất học bất tri lý” (Nghĩa là: Ngọc không mài giũa chẳng nên hình, người không học không biết đạo lý). Đạo lý ở đây là chân lý của vũ trụ, trời đất và đặc biệt là đạo lý làm người, cách ứng xử tốt đẹp giữa con người với nhau. Chính nhờ giáo dục mà dân tộc ta đã vững vàng trước mọi sóng gió của thời cuộc, giữ được bản sắc văn hóa của mình.

   Cuốn sách “Cha ông ta với việc khuyến học” ghi lại lịch sử khuyến học của dân tộc Việt Nam từ thời Hùng Vương, thời Bắc thuộc gần ngàn năm cho đến thời kỳ độc lập tự chủ qua các triều đại từ Đinh, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê (Lê sơ), Mạc, Lê mạt, Tây Sơn cho đến triều Nguyễn. Cuốn sách gồm có ba phần. Phần một có ba chương. Chương một giới thiệu cơ bản vài nét về giáo dục, đào tạo qua các triều đại phong kiến nước ta, cùng những dấu ấn lịch sử để lại cho ngày nay đã trở thành biểu tượng về tinh thần hiếu học như di tích Văn miếu Quốc Tử Giám, Bia tiến sĩ… Chương hai giới thiệu về khuyến học từ thời Lý (1010-1225) cho đến thời Nguyễn (1802-1945). Chương ba viết lại nội dung các chiếu chỉ về giáo dục, học tập của vua Trần Thuận Tông, Lê Thánh Tông, vua Quang Trung và Chỉ dụ lập trường Quốc học của vua Thành Thái. Phần hai gồm có ba chương. Chương một khái lược tổng quá về một quốc gia khuyến học, một dân tộc khuyến học. Đó là khuyến học trong cung đình; khuyến học qua việc bảo đảm sự công bằng trong thi cử; khuyến học trong gia đình; ông bà, cha mẹ khuyến khích con cháu học tập; vợ động viên, khuyên nhủ chồng chăm lo đèn sách…Chương hai là “Tuyên ngôn” của chính sách giáo dục, khuyến học thời phong kiến như: Lời vàng cho muôn đời; tinh thần khuyến học trên các Bia tiến sĩ; Ngô Thì Sĩ và việc chỉnh đốn văn thể; Ngô Thì Nhậm bàn về giáo dục; Nguyễn Thiếp bàn về phép học; Dương Bá Trạc viết về những điều hay trong khoa cử nước ta. Phần phụ lục giới thiệu danh sách các vị Tam khôi; thống kê các khoa thi tiến sĩ và tương đương (1075-1919).

   Nhắc lại việc khuyến học, người xưa còn khuyên dạy: “người học hành tốt, có danh tiếng sẽ đem lại vinh dự trước tiên cho cá nhân, niềm tự hào cho gia đình, cha mẹ rồi đến những người thầy đã dạy dỗ”, vì vậy mà trong cuốn sách “Nam thi hợp tuyển” của cụ Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc đã cất công sưu tầm giới thiệu, trong đó có một bài thơ rất hay nói về việc khuyên nhủ học hành, chăm chỉ sẽ có ngày thành danh, phản ảnh những mong muốn kỳ vọng của cha mẹ đối với con cái:

“Khoa mục triều đình mở rộng thay
Khuyên con cố chí học cho hay
Cơm nhà ba bữa cha cày cấy
Áo mặc bốn mùa mẹ vá may
Câu phú, câu thơ ngâm để dạ
Sách kinh, sách sử mới liền tay
Một mai chiếm bảng khôi thiên hạ
Cả mặt song thân, đẹp mặt thầy”.

   Cuốn sách “Cha ông ta với việc khuyến học” của tác giả Lê Thái Dũng biên soạn, Nhà xuất bản Hồng Đức ấn hành năm 2020, sách dày 211 trang, khổ 13×20,5cm. Thư viện Tổng hợp Quảng Ngãi trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Kim Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây