QUÂN THỦY TRONG LỊCH SỬ CHỐNG NGOẠI XÂM

0
301

   Cuốn sách là một công trình khảo cứu khá công phu, giúp cho độc giả, đặc biệt là bộ đội hải quân hiểu được sự hình thành, tổ chức biên chế và nghệ thuật quân thủy Việt Nam từ thời kỳ dựng nước đầu tiên đến cuối thể kỷ XVIII. Các tác giả đã xác định vị trí quan trọng của quân thủy trong cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam.

   Nghiên cứu về truyền thống thạo thủy chiến là một nét nổi bật trong nghệ thuật chiến tranh của dân tộc ta. Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng nhấn mạnh: “Do nước ta có vị trí quan trọng, có bờ biển dài, nhiều sông lớn, nên từ xưa tới nay kẻ địch từ bên ngoài thường lợi dụng biển và sông để xâm lược nước ta. Và ở trên biển, trên sông, trong quá trình lịch sử, dân tộc Việt Nam đã bao lần nêu cao truyền thống chống ngoại xâm anh hùng, bất khuất”.

   Thực tế lịch sử đã chứng minh khi kẻ thù dùng quân thủy, đi bằng đường thủy và Nhân dân ta cũng sử dụng chiến trường sông biển và quân thủy để đánh địch trong các cuộc chiến tranh chống xâm lược là quy luật tất yếu của chiến tranh cổ đại Việt Nam. Ví như thủy quân Âu Lạc ở thành Cổ Loa đã đánh lùi bao cuộc tiến công quân sự của Triệu Đà. Thủy quân của nữ tướng Lê Chân làm khốn đốn Mã Viện ở cửa Bạch Đằng. Thủy quân của Lý Bí anh dũng chặn Trần Bá Tiên trên sông Tô Lịch, hồ Điển Triệt. Quân thủy của Triệu Quang Phục ở đầm Dạ Trạch khiến quân Lương mất ngủ lao đao. Quân thủy Mai Phúc Loan làm quân Đường vất vả lo âu. Quân thủy Ngô Quyền diệt Nam Hán ở cửa Bạch Đằng. Chiến thuyền Lê Hoàn bịt Bạch Đằng khiến Lưu Trừng sợ mà ốm chết. Quân thủy thời Lý năm 1075 náo động Khâm, Liêm, năm 1077 chặn thuyền Tống từ ngoài hải giới, cùng quân bộ chặn đứng Quách Quỳ trước sông Cầu. Quân thủy thời Trần quét sạch quân Mông ở Đông Bộ Đầu, diệt quân Nguyễn ở Chương Dương, Hàm Tử, Vân Đồn, Bạch Đằng… Quân thủy Tây Sơn lừng danh với trận Rạch Gàm – Xoài Mút.

   Cuốn sách trình bày quá trình phát triển quân thủy Việt Nam trong lịch sử, trong ba thời kỳ lớn, dưới thời dựng nước, thời Lý Trần và thế kỷ XVIII (chủ yếu là phong trào nông dân Tây Sơn). Đây là ba thời kỳ như ba cái mốc lớn của quá trình phát triển quân thủy cổ trung đại nước ta.

   Cuốn sách “Quân thủy trong lịch sử chống ngoại xâm” của nhóm tác giả Nguyễn Việt – Vũ Minh Giang – Nguyễn Mạnh Hùng thực hiện năm từ năm 1972, xuất bản lần đầu vào năm 1982 với số lượng 11.000 cuốn, là công trình đầu tay của nhóm tác giả. Năm 2012, nhân kỷ niệm 30 năm tác phẩm ra đời, các tác giả đã chỉnh lý, bổ sung nôi dung và tái bản lần thứ nhất, do Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành, sách dày 420 trang, khổ 14,5 x 20,5cm. Nội dung gồm 12 chương. Chương một giới thiệu khái quát lịch sử phát triển quân thủy thế giới cho đến thế kỷ XVIII. Chương hai trình bày cơ sở hình thành truyền thống thạo thủy chiến của dân tộc ta. Từ chương ba đến chương mười một, trình bày sự phát triển của quân thủy qua ba mốc lớn. Ở mỗi mốc, các tác giả đã làm rõ: một là, tổ chức biên chế quân thủy và thuyền chiến trong khung cảnh chung của quân đội đương thời; hai là, vai trò của quân thủy trong chiến tranh chống ngoại xâm và vì sự tồn tại, phát triển của đất nước. Chương cuối cùng là chương kết.

   Cuốn sách là tài liệu lịch sử nghiên cứu rất quý cho độc giả tìm hiểu về quân thủy trong lịch sử Việt Nam qua hàng ngàn năm đấu tranh chống giặc ngoại xâm bằng thủy chiến của dân tộc ta.

   Thư viện Tổng hợp Quảng Ngãi trân trọng giới thiệu đến quý độc giả.

Minh Tuấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây