DINH TRẤN THANH CHIÊM KINH ĐÔ THỨ HAI XỨ ĐÀNG TRONG

0
404

   Dinh trấn Thanh Chiêm còn gọi là Dinh trấn Quảng Nam, Dinh Chiêm, Dinh Chàm… được chúa Tiên Nguyễn Hoàng khởi dựng vào năm 1602 và giao cho Hoàng tử Nguyễn Phúc Kỳ trấn giữ. Dinh trấn Thanh Chiêm mở đầu cho sự phát triển thịnh vượng của xứ đàng Trong và được xem là trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế và văn hóa chỉ sau kinh đô Phú Xuân của Chúa Nguyễn.

   Ngày nay Dinh trấn đã bị tan phá nặng nề qua thời gian chiến tranh chỉ còn lại những vết tích thành cổ như tàu tượng, kho súng, kho lương, phường đúc, gò sứ… tản mác. Thanh Chiêm còn đó ngôi nhà thờ Phước Kiều, tương truyền xây lại trên nền xưa (nhà thờ Thiên Chúa giáo xây năm 1625, do F. de Pina làm Cha bề trên quản nhiệm trú), làng nghề đúc đồng Phước Kiều, đình làng An Nhơn, chùa Nhơn An, Nhà thờ Bà chúa Tằm tang Đoàn Thị Ngọc và đặc biệt chính diện nhà thờ Tiền hiền. Năm 2007, nhân kỷ niệm 405 Dinh trấn Thanh Chiêm – văn bia Dinh trấn Thanh Chiêm đã được dân làng phụng cúng dựng khắc. Văn bia có câu: “Xứ Thanh Chiêm xưa là dinh trấn/Hậu cần cho chúa Nguyễn khai cơ/ Đất phương Nam cò bay thẳng cánh/ Phố sông Hoài thuyền đậu buồm giăng/ Cũng do từ Thanh Chiêm khởi phát…”

   Cuốn sách “Dinh trấn Thanh Chiêm – Kinh đô thứ hai xứ đàng Trong” gồm hai phần và bốn phụ lục: Phần I là nội dung giới thiệu về những công lao to lớn của chúa Nguyễn Hoàng, người khởi dựng Dinh Chiêm. Phần II, viết về tiến trình lịch sử Dinh Chiêm cùng vai trò trọng đại của Dinh Chiêm suốt hai trăm năm vừa là hậu phương của Chính Dinh ở Thuận Hóa hỗ trợ chúa Nguyễn trong cuộc chiến chống lại họ Mạc, họ Trịnh ở đàng Ngoài; vừa là tiền phương của họ Nguyễn trong vai trò mở rộng lãnh thổ về phương Nam. Đặc biệt là ở phần II có 7 chương, nhưng tác giả dành trọn chương 5 để nói về một sự kiện hy hữu, một tình cờ lịch sử đã mang đến cho Thanh Chiêm cái vinh dự trở thành thánh địa của chữ Quốc ngữ, khi giáo đoàn Buzomi đến Dinh trấn mở đầu cho công cuộc truyền bá đạo Ki tô, tại đây các giáo sĩ đã đặt nền móng cho việc sang chế chữ Quốc ngữ.

   Cuốn sách “Dinh trấn Thanh Chiêm – Kinh đô thứ hai xứ đàng Trong” của tác giả Châu Yến Loan giúp độc giả học tập, nghiên cứu lịch sử Việt Nam ở xứ đàng Trong và tìm lại vùng đất khai sinh ra chữ Quốc ngữ ngày nay, xứng đáng là một cuốn sách quí để độc giả tìm đọc. Sách do Nhà xuất bản Đà Nẵng ấn hành năm 2015, khổ 14x20cm. Thư viện Tổng hợp Quảng Ngãi trân trọng giới thiệu.

Minh Tuấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây