Bệnh viện cấp huyện có nước nóng – lạnh cho bệnh nhân tắm, nước uống, WiFi, chỗ sạc điện thoại miễn phí, phòng bệnh có máy lạnh, khu sinh hoạt chung đẹp như quán cà phê, phòng vệ sinh sạch đẹp, toàn khuôn viên được phủ xanh cây cối…
“Chúng tôi thấy rõ vai trò đầu tàu của bác sĩ Võ Hồng Viễn ở Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn, tạo được sự đồng lòng của toàn đơn vị, từ người hộ lý đến các bác sĩ đều cố gắng phục vụ người bệnh tốt hơn và bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Chính quyền và ngành y tế tỉnh Quảng Ngãi ghi nhận những đổi thay này và mong muốn sự sáng tạo, tâm huyết ở Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn sẽ lan tỏa ra các địa phương trong tỉnh để người dân được hưởng những dịch vụ y tế tốt nhất.
Ông Đặng Ngọc Dũng (phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)
Y đức và tinh thần trách nhiệm đã đưa Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) thành ngôi nhà của bệnh nhân.
Bắt đầu từ nhà vệ sinh
Sáng đầu tuần, Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn chật kín người đến khám chữa bệnh. Tại phòng cấp cứu, các y bác sĩ đang tích cực xử lý bệnh về trong ngày. Những ca bệnh nặng được chuyển qua phòng hồi sức đầy đủ máy điều hòa, nước uống miễn phí… cùng đội ngũ y bác sĩ túc trực 24/24 giờ ngay tại phòng điều trị tích cực.
Lúc nhân viên đang làm việc, tại phòng giám đốc, bác sĩ Võ Hồng Viễn theo dõi toàn bộ việc khám chữa bệnh qua hệ thống camera. Nhìn camera, bác sĩ Viễn thấy một bệnh nhân khuôn mặt nhăn nhó. Nhấc điện thoại, bác sĩ Viễn gọi: “Anh em xử lý sao mà bệnh nhân đau vậy?”. Lập tức y tá hỏi bệnh nhân rồi báo lại: “Chị ấy bị đau răng chứ không phải bác sĩ làm không ổn”.
Chưa yên tâm, bác sĩ Viễn đi đến phòng cấp cứu hỏi trực tiếp, người bệnh phân bua: “Không, không, bác sĩ làm tốt mà, chỉ vì tôi nhức răng quá”. Bác sĩ Viễn dặn dò: “Hãy chữa bệnh như cho chính cha mẹ mình. Bất kể điều gì chưa ổn đều phải lắng nghe, chỉnh sửa”.
Như mọi ngày, bác sĩ Viễn bắt đầu “đi tuần”, nơi đầu tiên là phòng vệ sinh, tiếp đến là khu vực hộ lý giặt quần áo, drap giường… Phòng vệ sinh sạch như bây giờ bắt đầu từ lá thư bệnh nhân góp ý cách đây gần hai năm. Lúc đó, trung tâm cải tổ toàn diện, bệnh nhân đến đông hơn kéo theo sự quá tải ở phòng vệ sinh.
Chín bệnh nhân điều trị nội trú viết một lá thư góp ý: “Tôi thấy việc khám chữa bệnh quá tuyệt vời, nhưng phòng vệ sinh ngồi bệt làm chúng tôi thấy khó khăn. Đến buổi trưa sàn nhà vệ sinh bẩn làm người bệnh ngại đi vệ sinh…”.
Cuộc họp sau đó, y bác sĩ nhận thấy lời góp ý chân tình, phải làm sạch nhà vệ sinh. Bắt đầu bằng việc thay đổi toàn bộ bệ ngồi, ốp gạch quanh tường, bồn rửa tay phải có nước khử khuẩn, dép đi vào nhà vệ sinh xếp ngay trước cửa, bố trí thêm chậu cây xanh… “Từ lời góp ý đó, chúng tôi đã thực hiện và duy trì khu vệ sinh luôn là nơi sạch bậc nhất bệnh viện” – bác sĩ Viễn nói.
Tiếp đến là drap giường, quần áo bệnh nhân phải xử lý diệt khuẩn mỗi ngày. Cứ 5h sáng, bác sĩ Viễn lại thức dậy bật camera xem hộ lý thay từng drap giường và phát áo quần mới cho bệnh nhân. “Trung tâm luôn tâm niệm phục vụ bệnh nhân bắt đầu từ những việc nhỏ nhất. Dịch vụ phải 5 sao dù chủ yếu phục vụ người bệnh có bảo hiểm y tế” – bác sĩ Viễn nói.
Dấu ấn nhà thương
Toàn bộ các phòng bệnh đều có nước uống miễn phí, nước nóng – lạnh từ hệ thống điện mặt trời. Những phòng điều trị bệnh nặng có thêm máy điều hòa. Bà Đỗ Thị Tình (63 tuổi, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn) bị bệnh hen phế quản đang nằm nội trú tại phòng hồi sức chia sẻ: “Trước đây mỗi lần trở bệnh, tôi đi Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Trung ương Quảng Nam… Hơn một năm qua, tôi lên Trung tâm Y tế huyện điều trị. Quá sạch đẹp, thoáng mát, bác sĩ lại tận tâm, nhấn nút chuông kêu dù có giữa khuya bác sĩ cũng đến liền”.
Mới đây, đoàn giám sát của HĐND tỉnh Quảng Ngãi bất ngờ ghé trung tâm kiểm tra, vào thẳng khu vực chứa chất thải. Lúc này đội ngũ y bác sĩ mới biết chuyện. Một cán bộ đoàn giám sát đánh giá: “Đây là trung tâm y tế tốt nhất trong tỉnh. Chúng tôi đứng nói chuyện ngay trong khu chứa chất thải mà không có mùi hôi. Còn những khu vực khác thì quá tuyệt, hơn cả những gì chúng tôi nghe người dân khen trước đó”.
Toàn bộ Trung tâm Y tế huyện Bình Sơn được phủ xanh bởi cây xanh và các loại cỏ. Để làm được điều này, bác sĩ Lê Trung Thu (trưởng khoa hồi sức cấp cứu – chống độc) cho hay khoảng 2 năm qua, các khoa phòng nhận từng khu vực để trồng cây và chăm sóc. Mới đầu cũng vất vả lắm, giờ cây xanh đã phát triển khỏe, y bác sĩ thay nhau cắt tỉa, tưới nước mỗi ngày để giữ không gian luôn xanh, sạch, đẹp.
Dọc hành lang Trung tâm Y tế là những điểm sạc điện thoại, nước uống miễn phí cho người bệnh khám trong ngày. Tại mỗi phòng bệnh đều có một bộ bàn ghế để bệnh nhân và người nhà sinh hoạt chung. Sân sau được lắp đặt dụng cụ tập thể dục cho bệnh nhân. Sân trước là một nhà rường lắp bàn ghế, tivi và những chậu cây cảnh cho bệnh nhân thư giãn.
Ông Nguyễn Thâm (78 tuổi, đang điều trị nội trú) ngồi xem tivi cười khà khà: “Tôi đi nhiều bệnh viện rồi, chưa thấy nơi nào có nhà sinh hoạt chung đẹp như quán cà phê cả. Nhà thương như thế này sẽ giúp bệnh nhân cảm thấy nhanh khỏe, chớ ngồi miết trong phòng chán lắm, thêm bệnh”. Chính sự hài lòng của bệnh nhân là động lực để y bác sĩ tiếp tục cống hiến. Bác sĩ Viễn chia sẻ: “Tâm lý ai vào viện cũng thấy âu lo, mệt mỏi. Y bác sĩ cố gắng truyền động lực cho bệnh nhân, động viên họ lạc quan, bắt đầu từ không gian thân thiện và sự tận tình”.
Trung tâm y tế huyện có bệnh nhân đông nhất
Năm 2017, trung tâm được UBND tỉnh Quảng Ngãi giao chỉ tiêu 150 giường bệnh. Năm 2018 chỉ tiêu được tăng lên 170 giường bệnh và năm 2019 tăng lên 230 giường bệnh. Đây là trung tâm y tế tuyến huyện có số lượng bệnh nhân điều trị nội trú, số ngày điều trị nội trú cao nhất tỉnh Quảng Ngãi. Hơn một năm qua, ngành y tế huyện Bình Sơn đã sàng lọc các gia đình chính sách, người neo đơn, già yếu để phục vụ y tế miễn phí tận nhà mỗi tháng.