ĐỊA ĐẠO ĐÁM TOÁI – NƠI AN NGHĨ CỦA 66 THƯƠNG BỆNH BINH VÀ QUÂN Y QUÂN GIẢI PHÓNG

0
506

   Nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ (27/7/1947 – 27/7/2022), Thư viện Tổng hợp Quảng Ngãi giới thiệu đến quý độc giả và Nhân dân về Địa đạo Đám Toái – nơi an nghĩ của 66 thương bệnh binh và quân y quân giải phóng, cũng là nhằm ôn lại một thời đau thương của Nhân dân ta trong cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm cứu nước.

   Địa đạo Đám Toái tại thôn Phú Quý, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn,có vị trí trên triền đồi dốc thoải, nơi có lớp đất phong hóa basalt dầy, dễ đào và sau khi đào ra gặp không khí nhanh cứng lại. Địa đạo Đám Toái nối kết với địa đạo thôn Châu Thuận và địa đạo thôn An Hải hình thành hệ thống địa đạo liên hoàn dài gần 4km, chạy dọc theo vùng đồi thấp ven biển xã Bình Châu.  Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954), du kích và nhân dân địa phương đã mở rộng địa đạo Đám Toái vừa để tránh bom đạn vừa làm công sự chiến đấu để bảo vệ vùng tự do, chống lại sự xâm nhập của quân Pháp từ phía biển. Đến những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ (1962-1965), để đảm bảo việc chữa trị kịp thời cho thương bệnh binh trên chiến trường Đông Bắc Quảng Ngãi, lực lượng quân giải phóng miền Nam đã chuyển trạm phẫu thuật tiền phương (gọi tắt là A100) về đóng tại địa đạo Đám Toái. Sau đó, địa đạo được củng cố và mở rộng, đào sâu cách mặt đất 5m, có chiều cao 1,6 – 1,9m, rộng 0,9 – 1,4m, tổng chiều dài lên đến gần 100m và có hàng chục ga và ngách. Ga là một đoạn địa đạo được mở rộng, có giường nằm bằng tre cho thương bệnh binh. Ngách là các hố được khoét sâu vào vách địa đạo làm nơi chứa đồ đạc, y cụ, thuốc men, toàn địa đạo có khoảng 8 ga, 12 ngách.

   Sau khi liên tiếp thất bại nặng nề ở chiến dịch Ba Gia cho đến Vạn Tương, lính Mỹ và chư hầu liên tục dùng hỏa lực và trực thăng bắn phá các vùng Đông Bắc Quảng Ngãi giáp với căn cứ Chu Lai, nhất là các cuộc tập kích bất ngờ vào những nơi mà chúng nghi là có quân giải phóng.

   Ngày 9/9/1965, lính Mỹ càn vào thôn Phú Quý, xã Bình Châu tình cờ phát hiện hai y sĩ quân giải phóng tên Lâm và Lệ đang làm nhiệm vụ cách hầm địa đạo không xa. Do không khai thác được gì nên chúng đã trói hai người lại cùng với khối thuốc nổ lớn rồi cho nổ, làm thi thể vung vãi khắp nơi, mấy ngày sau người dân mới gom thi thể hai người và chôn chung ngôi mộ.

   Tiếp tục càn quét, chúng lung sục thấy hầm địa đạo và đã đánh thuốc nổ sập miệng hầm, sau đó phát hiện lỗ thông hơi của địa đạo Đám Toái nên liên tiếp đánh mìn xuống cho đến khi sập hoàn toàn. Lòng đất địa đạo Đám Toái – nơi đặt trạm phẫu A100 trở thành ngôi mộ tập thể của 66 thương bệnh binh và quân y của lực lượng quân giải phóng.

   Đêm ngày 9/9/1965 (nhằm ngày 14/8 năm Ất Tỵ), khi lính Mỹ rút đi, nhân dân địa phương và dân quân du kích đã tìm kiếm tại địa đao thì tìm được 5 xác người ngay cửa miệng hầm, trong đó có 3 nam, 2 nữ. Thi thể 61 nạn nhân còn lại nằm sâu trong địa đạo. Do điều kiện chiến tranh ác liệt không thể tìm kiếm nên Nhân dân lấp lại thành ngôi mộ chung.

   Năm 1991, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ngãi phối hợp với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Quảng Ngãi đã xác minh danh tính của 66 nạn nhân bị sát hại đều thuộc phiên chế của Trung đoàn Ba Gia – Quân khu V, Tiểu đoàn 48 và Đại đội 21 của tỉnh Quảng Ngãi. Sau đó, đã tiếp tục xây dựng tượng đài trong khu vực địa đạo Đám Toái để tri ân, tưởng niệm những thương bệnh bình và y bác sĩ đã hi sinh trong lòng địa đạo này.

Năm 1997, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức khai quật, đưa 66 di hài an táng tại nghĩa trang trong khu di tích, đồng thời phục dựng nguyên trạng địa đạo để phục vụ du khách tham quan và giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng cho Nhân dân.

   Địa đạo Đám Toái được Bộ Văn hóa, Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử Quốc gia tại Quyết định số 2307/QĐ-VH ngày 30/12/1991./.

                                                  Phòng Thông tin – Thư mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây