BÁC HỒ VỚI VIỆC ĐỌC VÀ TỰ HỌC

0
2617

   Chủ tịch Hồ Chí Minh – Anh hùng giải phóng dân tộc, Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam. Nhân dân ta gọi Người là Cha già dân tộc, Bác Hồ kính yêu. Cuộc đời và sự nghiệp của Người là tấm gương sáng ngời của một người cộng sản chân chính, trọn đời đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.

   Kỷ niệm lần thứ 131 ngày sinh của Người, Thư viện Tổng hợp tỉnh trân trọng giới thiệu đến bạn đọc ấn phẩm “Bác Hồ với việc đọc và tự học” do Nhà xuất bản Trẻ ấm hành. Cuốn sách đã giới thiệu đến bạn đọc – người bạn đường tri kỷ của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ấy là sách báo. Bác Hồ của chúng ta có một tình yêu đặc biệt đối với sách báo từ rất sớm. Có thể nói, Bác là hiện thân sinh động và cảm động về việc đọc và tự học – Một trong những khởi đầu rất quan trọng của văn hóa sống và sáng tạo, văn hóa ở đời và làm người, để suốt đời Ái Quốc – Ái Dân. Với người, việc đọc và tự học là lý tưởng, mục tiêu cao quý nhất, là những giá trị thiêng liêng nhất hướng tới Dân và vì Dân, là nhu cầu không thể thiếu của đời sống và hoạt động của Người.

   Tác giả quyển sách, Tiến sĩ Vũ Dương Thúy Ngà, nguyên Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người đã rất nhiều năm gắn bó với công tác thư viện, với sách báo, tâm huyết với công việc ở địa phương và cơ sở, sao cho “sách tìm người”“người tìm sách” để việc đọc trở thành một nét đẹp trong đời sống văn hóa tinh thần của chúng ta.

   Nội dung cuốn sách được chia làm 3 phần:

  Phần thứ nhất: BÁC HỒ VỚI VIỆC ĐỌC

   Phần thứ hai: BÁC HỒ VỚI VIỆC TỰ HỌC

   Phần thứ ba: BÁC HỒ PHÁT BIỂU VỀ SÁCH BÁO, VỀ VIỆC ĐỌC VÀ TỰ HỌC

   Với lời văn giản dị và trong sáng, tác giả đã cho chúng ta những hiểu biết về quan điểm của Bác Hồ về vai trò của sách báo, phương pháp đọc sách báo của Người. Tác giả cũng cho ta biết Bác Hồ đã sử dụng sức mạnh của báo chí như thế nào, Bác quan tâm tới công tác tuyên truyền giới thiệu sách báo ra sao và đặc biệt là sự quan tâm của Người tới thư viện, công tác thư viện mà Người nói là “Nơi đọc sách cho nhân dân”. Người chú trọng đến việc tự học, học suốt đời “Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”.

   Qua phần thứ nhất: BÁC HỒ VỚI VIỆC ĐỌC, chúng ta thấy sách báo là người bạn tâm giao gắn liền với thời niên thiếu của Người. Người đã suốt đời không ngừng đọc, Người đã chắt lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, kế thừa các học thuyết tư tưởng lỗi lạc của thời đại qua sách báo để dẫn dắt và đưa con thuyền cách mạng Việt Nam đến bờ độc lập, cập bến vinh quang và đạt được những thành tựu như ngày hôm nay. Đọc sách là luận điểm quan trọng trong tư tưởng của Người về giáo dục và có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định tạo nên trí tuệ. Bác Hồ đã để lại nhiều bài học và những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ noi theo.    

   Bác Hồ với việc đọc và tự học/ Vũ Dương Thúy Ngà. – Tp. Hồ Chí Minh: Nxb. Trẻ, 2017.- 177 tr.; 21 cm. Số đăng ký cá biệt: MN.058257 – 259.

          Sách đang được phục vụ tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

                                                                                                Kim Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây