“Vàng trắng” trên đảo Lý Sơn

0
1195

   Sau bao năm bám trụ và được canh tác trên vùng đất đảo, đến nay cây tỏi “vàng trắng” đã phát triển mạnh, trở thành cây trồng trọng điểm, chủ lực của nông dân địa phương, đóng góp quan trọng cho kinh tế của huyện. Theo xu thế thị trường, giá trị cây tỏi đang có những bước chuyển đổi để hòa nhịp. Sản xuất tỏi an toàn trở thành xu thế tất yếu, tạo ra những giá trị cộng thêm để cây tỏi phát triển bền vững, tạo nên thương hiệu của tỏi Lý Sơn.

Nông dân Lý Sơn thu hoạch vụ tỏi Đông Xuân.

   Sau những ngày nghỉ Tết, dạo quanh những ruộng tỏi, hành đang trong thời kỳ sắp cho thu hoạch, nghe bà con kể lại thành quả sau quá trình canh tác, cải tạo, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất vụ tỏi này, chúng tôi cảm thấy vui lây vì giờ người dân không những sống được mà còn làm giàu nhờ cây tỏi.

   Làm giàu nhờ cây tỏi

   Trên những cánh đồng, câu chuyện của người trồng tỏi khá rôm rả.

   Đó là những chuyện về hiệu quả kinh tế của tỏi Lý Sơn so với tỏi của các địa phương khác, rồi chủ trương của tỉnh, của huyện về phát triển cây tỏi đã mở ra cuộc sống ấm no cho người dân. Đây chưa hẳn là thời điểm thịnh nhất của cây tỏi, mới gọi là tạm ổn định để có thể yên tâm đầu tư, tạo đà cho những bước tiếp theo trong tương lai với nhiều chủ trương, dự định mới. Nhưng có thể chắc chắn một điều rằng, nếu trước đây phần lớn các hộ dân coi việc trồng tỏi là nghề chỉ mang tính chất “cơm mới đổi cơm cũ”, thì nay nghề trồng tỏi đã tạo hướng đi bền vững, vị thế cây tỏi trong phát triển kinh tế đã đổi khác.

   Trên địa bàn huyện, cây tỏi đang giữ thế chủ lực. Điều đáng mừng là chính quyền cũng đang chú trọng gây dựng uy tín cho sản phẩm thương hiệu tỏi bằng việc tuân thủ và khuyến cáo người dân thực hiện các khâu sản xuất sạch, an toàn. Dẫu vẫn còn những tồn tại trong phương thức canh tác nhưng thay đổi tư duy, cách làm cũ đã thành nếp mới là cả một quá trình và đến nay đã đạt được những kết quả bước đầu.

   Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Quốc Việt chia sẻ: Hiện nay, bên cạnh việc tuyên truyền vận động người dân sản xuất sản phẩm tỏi sạch và bước đầu đã hình thành nhiều sản phẩm, mặt hàng tiêu dùng được thị trường ưa chuộng được tạo ra từ cây tỏi Lý Sơn. Để nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, chính quyền cũng đang vận động người dân duy trì diện tích gieo trồng cây tỏi để trở thành vùng chuyên canh cây tỏi có giá trị cao.

   Giữ gìn thương hiệu

   Đã có thời người trồng tỏi không mặn mà với cây tỏi vì giá bán bấp bênh, không có đầu ra ổn định, tiếp đến là quy trình sản xuất lạc hậu, sản lượng thu hoạch thấp. Rồi có thời kỳ người dân mải mê chạy theo các loại cây trồng xen canh nên không chú trọng đến sản xuất cây tỏi nên giá trị của cây tỏi giảm mạnh, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của người nông dân trồng tỏi trên đảo. Nhưng nay mọi chuyện đã cải thiện đáng kể.

   Được ví như lão nông tri điền gắn bó với nghề trồng tỏi từ vài chục năm nay, lão nông Trần Văn Thịnh ở xã An Vĩnh giãi bày: Bao năm trồng tỏi trên vùng đất đảo, chúng tôi cũng không khỏi ngậm ngùi khi sản phẩm của mình làm ra không thua kém các sản phẩm truyền thống của các địa phương khác nhưng vẫn phải chịu cảnh “Đắp đổi qua ngày”. Thế nên khi có chủ trương của Nhà nước, người dân mới mạnh dạn đầu tư sản xuất để nâng cao giá trị cây tỏi, để có thể quảng bá chất lượng và giá trị ra thị trường trong và ngoài tỉnh. Khi có thương hiệu rồi, người trồng tỏi mới nhận ra bấy lâu nay tiềm năng lớn của cây tỏi vẫn chưa được khai thác đúng hướng. Trồng tỏi an toàn cho năng suất, chất lượng cao hơn và đầu ra ổn định.

   Ông Nguyễn Văn Định – PCT. Hiệp hội sản xuất, chế biến kinh doanh tỏi Lý Sơn thì cho rằng: Sản xuất tỏi theo quy trình an toàn góp phần làm thay đổi phương thức tổ chức sản xuất, kiểm soát được chất lượng, đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất tỏi. Qua đó, từ khâu cải tạo đất đến gieo trồng chăm sóc tỏi của nông dân cần có sự giám sát của các ngành chức năng, xây dựng được thương hiệu đã khó, gìn giữ và bảo vệ thương hiệu tỏi còn khó hơn, đòi hỏi sự phối hợp của nông dân với các ngành chức năng.

   Để làm được điều này, các địa phương cần chú trọng nhân rộng mô hình sản phẩm tỏi sạch, triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển sản xuất an toàn, bền vững, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất để tạo ra sản phẩm tỏi sạch, đồng thời từng bước nâng cao sản lượng, giá trị và thương hiệu của cây tỏi Lý Sơn trên thị trường.

PHẠM MỊNH
Nguồn: http://www.cadn.com.vn/

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây