KỶ NIỆM 57 NĂM NGÀY CHIẾN THẮNG BA GIA – VẠN TƯỜNG

0
653

   Chiến thắng Ba Gia

   Mùa hè năm 1965, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu V,  Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi, quân và dân ta mở nhiều đợt tiến công giành thắng lợi, trong đó có chiến thắng Ba Gia lịch sử, góp phần to lớn để đánh bại chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ – Ngụy tại chiến trường Quảng Ngãi.

   Chiến dịch Ba Gia mở ra từ ngày 28/5/1965 đến 20/7/1965, tác chiến trên địa bàn các huyện Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa và thị xã Quảng Ngãi. Trận đánh ở Ba Gia từ ngày 29/5 đến ngày 31/5/1965 được xem là sự kiện quan trọng, được tiến hành bởi Trung đoàn 1 bộ binh Quân khu V (Quân giải phóng miền Nam) đánh vào 1 chiến đoàn, 2 tiểu đoàn bộ binh và 3 tiểu đoàn biệt động quân của quân lực Việt Nam cộng hòa. Trận đánh Ba Gia diễn ra trên các cứ điểm: Núi Tròn, núi Khỉ, núi Chóp Nón, giao thông hào Phước Lộc, Điểm cao 47, đồi Mã Tổ, đồi Gò Cao trên địa bàn thôn Diên Niên, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh. Kết thúc trận đánh, quân giải phóng tiêu diệt và làm bị thương 270 tên địch (có 2 cố vấn Mỹ), bắt sống 217 tên, thu hơn 200 súng, phá hỏng 1 pháo 105 ly, 4 xe GMC, 1 xe Jeep. Chiến thắng Ba Gia đánh dấu sự trưởng thành của quân đội ta, chỉ trong vòng hai ngày đêm ta đã tiêu diệt hoàn toàn chiến đoàn hỗn hợp của Mỹ – Ngụy.

   Được sự quan tâm của các cấp chính quyền, di tích chiến thắng Ba Gia đã được xây dựng tượng đài và nhà lưu niệm dưới chân núi Tròn, tiếp giáp đường Quốc lộ 243, khá thuận lợi để phục vụ giáo dục, tuyên truyền lịch sử đấu tranh cách mạng cho nhân dân trong cuộc kháng chiến chống Mỹ – Ngụy cứu nước.

   Di tích chiến thắng Ba Gia đã được Bộ Văn hóa – Thông tin và Thể thao (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia tại Quyết định số 866-QĐ ngày 20/5/1991.

   Chiến thắng Vạn Tường

   Sau chiến dịch Ba Gia là chiến thắng Vạn Tường diễn ra vào ngày 18/8/1965, là một trong những thắng lợi đánh dấu sự trưởng thành và lớn mạnh của quân dân ta trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ – Ngụy xâm lược.

   Để thực hiện âm mưu chiến lược “chiến tranh cục bộ”, đêm 17/8 địch mở cuộc hành quân mang tên “Ánh sáng sao” với sự tham gia của 8.000 quân Mỹ, 1.000 quân Ngụy, 70 máy bay chiến đấu, 150 máy bay lên thẳng, 6 tàu đổ bộ, 5 pháo hạm và gần 50 khẩu pháo các loại cùng hàng trăm xe tăng, xe bọc thép tiến hành tấn công vào Vạn Tường bằng 3 mũi giáp công: Ngoài biển vào, trên không xuống và từ căn cứ Chu Lai đánh vào nhằm tiêu diệt trung đoàn 1 chủ lực, quân Khu V đang đóng ở Vạn Tường.

   Kế hoạch tác chiến của ta là cản chậm bước tiến của các cánh quân Mỹ ở hướng Bắc và Đông Nam, tập trung lực lượng ở hướng Tây Nam dựa vào các hầm sâu và các vị trí chiến đấu ngụy trang kín đáo để diệt cánh quân đổ bộ bằng đường không. Quân dân du kích các xã Bình Hải, Bình Hòa, Bình Trị, Bình Phú phối hợp với Trung Đoàn 1, quân Khu V và Đại đội 21 bộ đội địa phương quyết chiến đánh thắng Mỹ – Ngụy. Từ thế bị tấn công, ta đã giành lại thế chủ động, các mũi tiến công của địch đều vấp phải hệ thống bãi mìn, hố chông, vật cản khiến đội hình địch bị dồn ứ và bị bộ đội ta đánh và dùng hỏa lực tiêu diệt. Trận đánh kéo dài đến chiều tối ngày 18/8 quân ta tiêu diệt 919 lính Mỹ, bắn cháy 22 xe tăng, xe bọc thép, bắn rơi 13 máy bay và phá hủy hoàn toàn nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Đây là đòn đánh phủ đầu giáng đòn chí tử vào lính thuỷ đánh bộ Mỹ, một binh chủng được xem là thiện chiến, tối tân của quân đội Mỹ lúc bấy giờ.

   Chiến thắng Vạn Tường cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của quân dân miền Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Đây là trận mở đầu trong cao trào diệt Mỹ, chứng tỏ quân và dân ta hoàn toàn có khả năng đánh thắng Mỹ trong “chiến tranh cục bộ”, dù phải đánh trực tiếp cả quân xâm lược Mỹ lẫn chư hầu và quân Ngụy.

   Hãng tin AFP của Mỹ đưa tin về trận đánh Vạn Tường như sau: “Trận đánh này giống như trận đánh Ôki-na-oa trong chiến tranh thế giới lần thứ hai (1939 -1945) Việt Cộng xuất hiện từ trong các hầm hố mà lính đánh bộ không trông thấy. Việt Cộng xuất hiện thình lình cả đằng trước mặt, lẫn đằng sau lưng”.

   Cố Tổng Bí thư Lê Duẩn từng đánh giá: “Nếu trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Liên Xô, trận Xtalingrat là một bước ngoặt chứng tỏ rằng quân Phát – xít Hitle không phải là không đánh được thì chúng ta cũng có thể coi trận Vạn Tường là một bước ngoặt chứng minh rằng quân giải phóng miền Nam hoàn toàn có khả năng đánh bại quân đội Mỹ”.

   Chiến thắng Vạn Tường còn hiện tồn tại các điểm di tích như: Đồi tranh Ngọc Hương; Chiến hào thép Lộc Tự; Ngã ba Xóm Chuối (xã Bình Hòa); Đồi Trung Sơn thôn Vạn Tường; Bãi biển An Cường; Sở chỉ huy trung đoàn 1 quân giải phóng (xã Bình Hải).

   Hiện nay, đã xây dựng Bảo tàng chiến thắng Vạn Tường nhằm giáo dục lịch sử cách mạng, khơi dậy cho chúng ta niềm tự hào và cảm phục các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu đứng lên đấu tranh chống xâm lược của đế quốc Mỹ – Ngụy giành độc lập, tự do, hòa bình.

   Di tích chiến thắng Vạn Tường đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích lịch sử Quốc gia tại Quyết định số147/VH-QĐ ngày 24/12/1982.

   Chiến thắng Ba Gia – Vạn Tường đã và sẽ mãi mãi đi vào lịch sử của dân tộc ta như một chấm son chói lọi. Để góp phần tuyên truyền, giới thiệu và nghiên cứu phục vụ nhiệm vụ chính trị: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, Thường vụ Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ra mắt độc giả cuốn sách: “Chiến thắng Ba Gia – Vạn Tường”, gồm tập hợp 28 bài viết được lựa chọn trong kỷ yếu Hội thảo nhân kỷ niệm chào mừng 30 năm chiến thắng Ba Gia – Vạn Tường được tổ chức tại thị xã Quảng Ngãi vào ngày 16 và 17 tháng 8 năm 1995./. 

                                                                      Thực hiện: Phòng Thông tin – Thư mục

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây