DU KÝ TRUNG KỲ THEO ĐƯỜNG CÁI QUAN

0
107

   Tác giả Camille Paris sinh tại Pháp và mất tại Việt Nam, năm 1908, chưa đầy hai mươi năm sau khi xuất bản cuốn sách “Du ký Trung kỳ theo đường cái quan 1889” (Voyage d’exploration de Hué (Annam) en Cochinchine par la route de Mandarine) tại Nhà xuất bản Ernest Leroux (Pháp), kể lại những trải nghiệm quý khi sống cùng người Việt. Ông là viên chức của chính quyền thuộc đia Pháp phụ trách xây dựng đường điện báo từ Huế vào mấy tỉnh Trung kỳ ở phía nam.

Du ký Trung kỳ theo đường cái quan có nội dung ghi chép hành    trình xây dựng đường điện báo từ Huế vào Bình Thuận. Thời điểm đó, kinh đô Huế vừa trải qua cuộc đối đầu của quân triều đình do Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường chỉ huy. Quân Nguyễn phục kích quân đồn trú của Pháp ở Mang Cá và bắn phá tướng de Courcy ở bên kia sông tại toà khâm sứ. Sự thất bại của Thuyết và Tường dẫn đến kết cục vua Hàm Nghi phải cùng tôn thất lánh nạn. Pháp dựng Đồng Khánh lên ngôi và áp đặt chế độ Bảo hộ ở Trung kỳ, dân chúng lầm than, làng quê lan tràn dịch bệnh và nghèo đói trong khi quan lại triều Nguyễn bị lung lạc, mua chuộc và không hiếm người chạy theo Pháp.

   Tuy nhiên, cuộc kháng chiến của nhân dân vẫn âm ỉ ở nhiều tỉnh thành, dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh phong trào Cần Vương đã gây rúng động cho chính quyền Pháp bằng những cuộc bạo động như vụ tấn công đại uý công binh Besson ở Nam Chơn. Tác giả dẫn dắt bạn đọc theo đường cái quan từ kinh thành Huế tới phía nam tỉnh Quảng Nam, sau đó từ Qui Nhơn ngược trở ra Quảng Nam, từ Bình Định đến Phan Rang và Bình Thuận được ưu ái dành một phần riêng, để chứng kiến đời sống dân chúng, quan lại, phu phen, lính tráng… của Trung kỳ lúc bấy giờ, không chỉ ở những trung tâm lớn, mà còn ở những đồn luỹ xa xôi, những chợ nhỏ ven đường, những làng mạc bên đầm phá, cửa sông, hải cảng hoặc xa tít trong rừng rậm.

   Camille Paris không quên lồng vào đó hơi thở thời cuộc, sự đối đầu căng thẳng của chính quyền bảo hộ với lực lượng kháng chiến mà sự ngoan cường của những tấm gương như Nguyễn Duy Hiệu – thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa ở Quảng Nam đã khiến sử liệu thuộc địa không bao giờ thôi nóng bỏng. Bên cạnh đó, giá trị của tác phẩm đặc biệt nằm ở bộ địa danh mà nhiều trong số đó đến nay đã không còn dấu vết hoặc cần phải được xác tín. Đồn Lão Thuộc, mà Camille ký âm là Lau-toc, một đồn chính thuộc Nghĩa Định Sơn phòng, chính là một trong những ví dụ điển hình cho thấy sự ham tìm hiểu đã thúc đẩy ông điều tra thực địa bằng mọi giá dù phải ngược lên dãy núi phía tây. Vả chăng, Camille Paris vốn là con người say mê bản đồ học, khảo cổ học nên ông đã đưa ra bổ chú hữu ích đối với bản đồ của Dutreuil de Rhins, vạch lại và khảo tả sinh động các dịch trạm trên đường thiên lý, không dè dặt phô bày hiểu biết về các công trình Chàm/Chăm và bày tỏ một thái độ tha thiết với nền văn hoá/ văn minh đặc sắc này.

   Đi kèm với 4 phần văn bản chính là một phụ lục ghi chú dân tộc học và 5 bản đồ cùng 12 tranh khắc và tranh vẽ lý thú. Camille Paris thực sự đã đóng góp đáng kể cho nghiên cứu về dải đất Trung kỳ, bên cạnh các tên tuổi khác là Navelle, Lemire và Aymonier. Bản Việt ngữ tác phẩm “Du ký trung kỳ theo đường cái quan” của ông xứng đáng để độc giả cùng nhìn lại một thời đoạn nhiễu nhương của một vùng đất vừa tráng lệ, vừa đau thương.

   Những ghi chép và nghiên cứu của ông trong Du ký Trung kỳ theo đường cái quan (Nguyễn Thúy Yên dịch, Thư Books và Nxb Hồng Đức – 2021) mang đến cho độc giả nhiều thông tin thú vị về văn hóa – lịch sử, phong tục tập quán, đời sống văn hóa tinh thần và tính cách của người Việt hơn 100 năm trước./.

Vân Trà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây