Trang chủ Tin tức Chiến thắng Ba Gia – nét độc đáo về nghệ thuật quân...

Chiến thắng Ba Gia – nét độc đáo về nghệ thuật quân sự

0
636

   Với việc vận dụng linh hoạt các phương pháp tác chiến, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống hàng nghìn tên địch, thu hàng trăm súng các loại trong Chiến dịch Ba Gia (năm 1965). Chiến thắng góp phần quan trọng làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ tại miền Nam Việt Nam, đánh dấu sự trưởng thành về tổ chức chỉ huy của lực lượng vũ trang (LLVT) Quân khu 5.

   Chiến thắng Ba Gia thể hiện tính đúng đắn trong xác định phương châm chỉ đạo, cách đánh chiến dịch phù hợp với tình hình thực tiễn. Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5 xác định phương châm chỉ đạo chiến dịch là: Tập trung đánh nhanh, diệt gọn từng bộ phận quân chủ lực ngụy, không để cho quân Mỹ có phản ứng khi quân ngụy bị diệt; lấy đánh điểm để điều và diệt viện là chủ yếu. Cách đánh của chiến dịch là: Đánh điểm, diệt viện, lấy đánh địch ngoài công sự là chính. Phương châm và cách đánh nêu trên hoàn toàn phù hợp với tình hình thực tiễn chiến trường và khả năng, điều kiện của ta. Thời điểm này, địch chiếm ưu thế về binh hỏa lực và khả năng cơ động, nếu ta lựa chọn cách đánh công kiên, cường tập vào cứ điểm phòng ngự của địch chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn.

Chiến thắng Ba Gia - nét độc đáo về nghệ thuật quân sự
Phát huy truyền thống đơn vị 3 lần Anh hùng LLVT nhân dân, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) luôn là đơn vị huấn luyện giỏi (ảnh chụp ngày 10-4-2021). Ảnh: TUYÊN HUẤN 

   Thực tế chiến trường cho thấy, vận dụng phương châm chỉ đạo và cách đánh nêu trên, Chiến dịch Ba Gia giành thắng lợi giòn giã với hiệu suất chiến đấu cao. Trong đợt 1 chiến dịch, đêm 28 rạng 29-5, ta chỉ sử dụng lực lượng nhỏ tập kích vào trung đội dân vệ ở thôn Lộc Thọ, xã Tịnh Sơn, nhưng không diệt gọn, để chúng cầu cứu tiểu đoàn 1. Sau khi nghi binh dụ địch, gần trưa 29-5, ta kéo được toàn bộ tiểu đoàn 1 ra ngoài khu vực núi Khỉ, núi Tròn và tổ chức vận động phục kích, diệt gọn. Lúc này, số địch còn lại ở đồn Ba Gia mỏng, yếu, song ta không thực hành chiếm đồn, mà tiếp tục uy hiếp, buộc địch phải tổ chức 1 chiến đoàn (gồm 3 tiểu đoàn và 1 chi đoàn thiết giáp) hành quân ứng cứu, giải tỏa. Sau khi điều địch vào thế trận đã chuẩn bị sẵn, trong hai ngày 30 và 31-5, ta thực hành vận động tiến công, phục kích, tập kích tại điểm cao 47, đồi Mã Tổ, Chóp Nón, diệt gọn chiến đoàn này. Trận then chốt của chiến dịch thành công vang dội.

   Chiến dịch Ba Gia đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật tổ chức sử dụng lực lượng linh hoạt, sáng tạo của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 5. Để tăng cường hiệu lực chỉ huy, Tư lệnh chiến dịch là đồng chí Chu Huy Mân quyết định giao cho Trung đoàn 1, trực thuộc Quân khu 5 (từ tháng 10-1965 đến nay, Trung đoàn 1 trực thuộc Sư đoàn 2) và Tỉnh đội Quảng Ngãi (nay là Bộ CHQS tỉnh Quảng Ngãi) trực tiếp chỉ huy trên các hướng. Điều này không chỉ phù hợp với điều kiện, khả năng của ta, mà còn phát huy cao độ tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Mặt khác, việc tổ chức sử dụng lực lượng trong từng thời điểm chiến dịch mang nhiều nét đặc sắc. Trong đợt 1 chiến dịch (từ ngày 28-5 đến 7-6), ban đầu, ta chỉ sử dụng lực lượng nhỏ đánh theo kiểu du kích vào một đơn vị dân vệ, từng bước kéo quân chi viện của địch ra ngoài công sự để tiêu diệt từ nhỏ đến lớn, tạo phản ứng dây chuyền, buộc địch ngày càng lao sâu vào thế trận ta đã chuẩn bị sẵn. Kết thúc đợt 1, ta diệt gọn 1 tiểu đoàn quân chủ lực ngụy, sau đó, đánh quỵ một chiến đoàn hỗn hợp quân cứu viện của chúng. Bước vào đợt 2 chiến dịch (từ ngày 10 đến 25-6), ta chủ động phân tán bộ đội chủ lực, tổ chức những trận đánh nhỏ, hỗ trợ nhân dân nổi dậy phá “ấp chiến lược”. Đến đợt 3, từ ngày 4 đến 20-7, ta bất ngờ tập trung lực lượng trở lại, sử dụng Trung đoàn 1 tiến công đồn Ba Gia (ngày 5-7), một lần nữa tiêu diệt hoàn toàn tiểu đoàn 1 quân ngụy mới khôi phục, kết thúc chiến dịch với thắng lợi giòn giã.

Chiến thắng Ba Gia - nét độc đáo về nghệ thuật quân sự
Phát huy truyền thống đơn vị 3 lần Anh hùng LLVT nhân dân, Trung đoàn 1 (Sư đoàn 2, Quân khu 5) luôn là đơn vị huấn luyện giỏi (ảnh chụp ngày 10-4-2021). Ảnh: TUYÊN HUẤN 

   Chiến dịch Ba Gia thể hiện nét độc đáo về nghệ thuật quân sự nghi binh, lừa địch và vận dụng linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả các hình thức tác chiến. Mở màn chiến dịch, ta chỉ sử dụng lực lượng nhỏ bộ đội địa phương phối hợp với đặc công, trinh sát của Trung đoàn 1 tiến công một đơn vị dân vệ của địch theo kiểu du kích, làm cho quân địch ngộ nhận rằng, đó chỉ là hoạt động của du kích, nên hùng hổ kéo cả một đại đội đi truy quét tại núi Khỉ. Ngay cả khi đối mặt với một đại đội quân chủ lực ngụy (đại đội 2, tiểu đoàn 1), Tiểu đoàn 90 của ta do Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Chơn chỉ huy cũng chỉ đưa 1 tiểu đội ra để chặn địch và chỉ sử dụng súng trường, không sử dụng đại liên, súng cối, làm cho địch lầm tưởng về thực lực của ta. Thế nên khi chúng tung tiểu đoàn 1 vào tham chiến thì bị ta phục kích, diệt gọn (sáng 29-5-1965). Trận khơi mào chiến dịch thành công rực rỡ nhờ đòn nghi binh tài tình của ta.

   Sau trận khơi mào là trận then chốt chiến dịch trong ngày 30 và 31-5. Lúc này, quân địch đã thành lập một chiến đoàn hỗn hợp gồm 3 tiểu đoàn (tiểu đoàn 3 lính thủy đánh bộ, tiểu đoàn 39 biệt động quân và tiểu đoàn 2, trung đoàn 51) cùng 1 chi đoàn thiết giáp M113; gấp rút hành quân từ thị xã Quảng Ngãi ra Tây Sơn Tịnh phản kích, cứu viện và giải tỏa cho Ba Gia. Nắm chắc tình hình địch, Ban chỉ huy chiến dịch xác định phương án tối ưu: Tìm mọi cách tách quân địch ra từng tiểu đoàn, không cho chúng liên kết, chi viện lẫn nhau để ta có thể diệt chắc từng bộ phận. Từ phương án đó, các đơn vị nhanh chóng hình thành thế bao vây, chia cắt, liên tục tiến công, dồn ép quân địch, buộc chúng phải phân tán thành 3 cụm: Tiểu đoàn 3 lính thủy đánh bộ cụm lại trong một đoạn chiến hào ở rìa làng Phước Lộc; tiểu đoàn 2, trung đoàn 51 ở điểm cao 47; tiểu đoàn 39 biệt động quân ở đỉnh Chóp Nón. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 31-5, các đơn vị của ta đồng loạt tập kích diệt gọn cả ba cụm quân địch. Chiến đoàn của địch bị tiêu diệt hoàn toàn.

   Chiến thắng Ba Gia trên chiến trường bắc Quảng Ngãi mùa hè năm 1965 có ý nghĩa to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta. Thành công về mặt nghệ thuật quân sự của Chiến thắng Ba Gia không chỉ đóng góp, làm phong phú thêm kho tàng lý luận quân sự của Đảng, mà còn có ý nghĩa nghiên cứu, phát triển, vận dụng vào thực tiễn huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu của LLVT Quân khu 5 hiện nay, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Trung tướng TRỊNH ĐÌNH THẠCH, Chính ủy Quân khu 5
Nguồn: https://www.qdnd.vn/

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây