Thể lệ Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ngãi năm 2024

0
83
Nhằm khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ; trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong nhà trường và cộng đồng, hình thành thói quen và nâng cao kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên.

THỂ LỆ
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ngãi năm 2024
(Kèm theo Kế hoạch phối hợp số 779/SVHTTDL-SGD&ĐT-TĐ  ngày 11 tháng 4 năm 2024 của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giáo dục và Đào tạo; Tỉnh đoàn Quảng Ngãi)

I.  MỤC ĐÍCH
–  Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024 là hoạt động trọng tâm, có ý nghĩa thiết thực góp phần tiếp tục triển khai thực hiện Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, giai đoạn 2021-2025.
– Thông qua Cuộc thi tiếp tục khẳng định vai trò quan trọng, những giá trị tốt đẹp của văn hóa đọc trong việc nâng cao năng lực tiếp cận thông tin và tri thức của người dân Việt Nam, đặc biệt là phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, khơi dậy ý chí, khát vọng, quyết tâm phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc của thế hệ trẻ.
–   Khơi dậy niềm đam mê đọc sách đối với thế hệ trẻ; trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm của việc đọc sách và phát triển văn hóa đọc, từ đó khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong nhà trường và cộng đồng, hình thành thói quen và nâng cao kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên.

II.   ĐỐI TƯỢNG DỰ THI
– Học sinh đang theo học tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
– Sinh viên các Trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp và các loại hình giáo dục khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

III.   ĐỀ THI,  NỘI DUNG, HÌNH THỨC VỀ BÀI DỰ THI
1.  Đề thi:
+ Dành cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở:
Thí sinh chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1:
Câu 1: Trong các tác phẩm đã đọc, nhân vật nào đã truyền cảm hứng, hướng em tới lối sống tích cực, có trách nhiệm với xã hội, khơi dậy khát vọng cống hiến và phát triển đất nước?
Câu 2: Em hãy xây dựng kế hoạch hành động nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân và cộng đồng, đặc biệt đối với các bạn là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật chữ in? (Nêu được mục tiêu, đối tượng hưởng lợi, nội dung công việc thực hiện, dự kiến kết quả đạt được).
Đề 2:
Câu 1: Viết tiếp lời cho một câu chuyện hoặc cuốn sách mà em đã đọc nhằm lan tỏa tình yêu đọc sách, thông qua đó khơi dậy trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu với Tổ quốc.
Câu 2: Em hãy xây dựng kế hoạch hành động nhằm phát triển văn hóa đọc cho bản thân và cộng đồng, đặc biệt đối với các bạn là trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em khuyết tật chữ in? (Nêu được mục tiêu, đối tượng hưởng lợi, nội dung công việc thực hiện, dự kiến kết quả đạt được).
 + Đề thi dành cho học sinh Trung học phổ thông và sinh viên:
Thí sinh chọn 1 trong 2 đề sau:
Đề 1:
Câu 1: Tác phẩm nào đã truyền cảm hứng, nâng cao nhận thức hướng anh (chị) tới lối sống tích cực, trách nhiệm với xã hội, khơi dậy ý chí, khát vọng cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc.
Câu 2: Anh (chị) viết một sáng kiến kinh nghiệm nhằm thúc đẩy việc đọc sách trong các đối tượng: người dân ở khu vực biên giới, hải đảo; vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật chữ in… (Nêu được mục tiêu, đối tượng hưởng lợi, nội dung công việc thực hiện, dự kiến kết quả đạt được. Khuyến khích những sáng kiến đã được áp dụng trong thực tiễn và có minh chứng).

Đề 2:
Câu 1: Anh (chị) hãy sáng tác một tác phẩm văn học (truyện ngắn) nhằm lan tỏa tình yêu đọc sách, thông qua đó khơi dậy trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và khơi dậy niềm tự hào dân tộc, tình yêu với Tổ quốc.
Câu 2: Anh (chị) viết một sáng kiến kinh nghiệm nhằm thúc đẩy việc đọc sách trong các đối tượng: người dân ở khu vực biên giới, hải đảo; vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; người dân tộc thiểu số, người cao tuổi, người khuyết tật chữ in… (Nêu được mục tiêu, đối tượng hưởng lợi, nội dung công việc thực hiện, dự kiến kết quả đạt được. Khuyến khích những sáng kiến đã được áp dụng trong thực tiễn và có minh chứng)

2. Nội dung:
– Bài dự thi phải trả lời đầy đủ 02 câu hỏi được đặt ra trong đề thi, có nội dung lành mạnh, trong sáng, phù hợp với thuần phong mỹ tục và văn hóa Việt Nam; đảm bảo tính chính xác, an toàn thông tin và các quy định pháp luật khác có liên quan.
– Các cuốn sách được chia sẻ trong bài dự thi phải được phát hành hợp pháp  tại Việt Nam (khuyến khích thí sinh chia sẻ các cuốn sách được xuất bản trong thời gian gần đây), lưu ý có giới thiệu cụ thể, đầy đủ nguồn xuất bản của cuốn sách.
– Các thí sinh có Giấy xác nhận đã tham gia hoạt động khuyến đọc tại trường học, địa phương, cộng đồng (gửi kèm theo bài dự thi về Ban Tổ chức) sẽ được cộng điểm khuyến khích.

3. Hình thức:
– Mỗi thí sinh tham gia làm bài dự thi độc lập (không làm bài dự thi theo nhóm), ngôn ngữ trình bày bằng Tiếng Việt và có thể sử dụng một trong hai hình thức:
+ Viết (đánh máy, viết tay): Độ dài bài dự thi viết không quá 5.000 từ. Khuyến khích thí sinh viết tay, có hình ảnh minh họa.
+ Dựng video: Thời lượng tối thiểu là 5 phút, tối đa là 10 phút; có thể sử dụng các hiệu ứng, kỹ xảo và đảm bảo về chất lượng hình ảnh, âm thanh; dưng lượng tối đa là 2GB, có độ phân giải tối thiểu là 480px, khung hình tối thiểu 854×480 trở lên; được lưu bằng định dạng phổ biến mp4, avi, mpeg, mkv, klv… và phù hợp với việc đăng tải trên Youtube.

4. Trách nhiệm của thí sinh tham dự Cuộc thi
– Thí sinh phải tuân thủ và thực hiện các yêu cầu của Thể lệ Cuộc thi. Bài thi phải thể hiện đầy đủ các thông tin của cá nhan dự thi do Ban tổ chức ban hành (kèm theo mẫu)
– Bài dự thi là sản phẩm sáng tạo của cá nhân thí sinh (các video dự thi phải do chính thí sinh thể hiện, bao gồm cả giọng đọc và dẫn chuyện), chưa gửi trưng bày, triển lãm, đăng tải trên các ấn phẩm, mạng internet hoặc dự thi ở cuộc thi nào.
– Các trường hợp sử dụng các nội dung, đoạn trích, câu nói, tranh, hình ảnh… của người khác trong bài dự thi phải có trích dẫn nguồn đầy đủ. Các video dự thi sử dụng hình ảnh, bài hát hoặc âm thanh phải thực hiện theo quy định về quyền sở hữu trí tuệ; thí sinh chịu trách nhiệm nếu có tranh chấp về pháp lý liên quan đến các vi phạm bản quyền (nếu có).

5. Trách nhiệm của Ban Tổ chức Cuộc thi
     Ban Tổ chức Cuộc thi không trả lại bài cho các thí sinh. Ban Tổ chức có trách nhiệm lưu giữ, bảo quản bài dự thi, sử dụng các tác phẩm dự thi để quảng bá cuộc thi và phục vụ các hoạt động khuyến đọc, đồng thời không chịu trách nhiệm về những tranh chấp quyền tác giả và quyền liên quan đến những tác phẩm tham gia dự thi.

IV.   QUY MÔ, THỜI GIAN TỔ CHỨC CUỘC THI, ĐỊA CHỈ NHẬN BÀI DỰ THI
1. Quy mô tổ chức cuộc thi
Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ngãi năm 2024 được tổ chức đối với cá nhân tại mục II của thể lệ này trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Ngãi.
2. Thời gian, địa chỉ nhận bài dự thi
– Thí sinh tham gia Cuộc thi gửi bài dự thi trực tiếp tại trường nơi thí sinh đang theo học (có mẫu thông tin kèm theo). Các trường học triển khai Cuộc thi, nhận bài, chấm sơ khảo bài dự thi của đơn vị mình và gửi 15 bài dự thi xuất sắc nhất cùng toàn bộ bài dự thi của đơn vị mình gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố trước ngày 05/6/2024.
– Phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm nhận, kiểm tra bài và tổng hợp số lượng gửi bài về Ban tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ngãi năm 2024 qua Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi (103 Hùng Vương, thành phố Quảng Ngãi) trước ngày 10/6/2024.
Đối với bài dự thi của thí sinh là sinh viên của các Trường Đại học, Cao đẳng và Trung cấp chuyên nghiệp; học sinh khối THPT, các Trường tổng hợp danh sách và gửi trực tiếp về Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi Ngãi (103 Hùng Vương, thành phố Quảng Ngãi) trước ngày 10/6/2024.

 Đối với bài quay video gửi file và bảng word trực tiếp qua địa chỉ email: cuocthidaisuvanhoadoc.tvqng@gmail.com. Tiêu đề thư cần ghi rõ: Bài dự thi “Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ngãi năm 2024”.

3. Tổ chức chấm bài và tổng kết trao giải
a) Thời gian tổ chức chấm bài: Tháng 6/2024
b) Thời gian tổng kết và trao giải thưởng: Dự kiến tháng 10/2024.

V. GIẢI THƯỞNG CUỘC THI
1. Cơ cấu giải thưởng:
a) Giải cá nhân: (dành cho 03 cấp học phổ thông: tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và bậc học đại học), cụ thể như sau:
– 04 giải Nhất
– 16 giải Nhì
– 24 giải Ba
– 36 giải Khuyến khích
 (Tùy vào chất lượng bài dự thi, Ban Giám khảo quyết định số lượng giải nhưng tối đa không quá mức cơ cấu này).

 b) Giải tập thể:
– Trường Đại học, Cao đẳng hoặc Trung cấp có nhiều sinh viên tham gia nhất: 01 trường
– Trường THPT có nhiều thí sinh tham gia nhất: 01 trường
– Trường THCS có nhiều thí sinh tham gia nhất: 01 trường
– Trường Tiểu học có nhiều thí sinh tham gia nhất: 01 trường
– Trường có học sinh đạt giải nhiều giải nhất: 01 trường
– Trường có sinh viên đạt giải nhiều nhất: 01 trường

VI. HÌNH THỨC KHEN THƯỞNG
    Ban Tổ chức Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Ngãi năm 2024 tặng giấy chứng nhận, kèm theo tiền thưởng cho các cá nhân và tập thể đạt giải.

VII. THÔNG TIN LIÊN HỆ
    Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc vui lòng liên hệ:
   Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi: Bà Nguyễn Thị Ánh Nguyệt, Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Thư viện Tổng hợp tỉnh, điện thoại:  0949544918.

   Truy cập Website http://thuvienquangngai.vn/ để cập nhật thông tin Cuộc thi và tham khảo kết quả Cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc các năm trước./.

 Kế hoạch cuộc thi tải tại đây!

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây