Trang chủ Tin tức Sách hay và sách bán chạy

Sách hay và sách bán chạy

0
2135

   Có thể nói ngay rằng chưa bao giờ thị trường sách lại phong phú đến mức đôi khi “hỗn loạn” như bây giờ. Chính vì quá dư thừa nên sự lựa chọn của độc giả cũng vì thế mà trở nên khó khăn hơn….

   Sự đọc ngày nay

   Có thể nói ngay rằng chưa bao giờ thị trường sách lại phong phú đến mức đôi khi “hỗn loạn” như bây giờ. Chính vì quá dư thừa nên sự lựa chọn của độc giả cũng vì thế mà trở nên khó khăn hơn. Chỉ nói riêng về mảng sách văn học, người đọc đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn chứ không hề dễ dàng khi sách chất đầy giá, không chỉ trong các cửa hàng sách quốc doanh mà ngay cả trong các cửa hàng sách tư nhân. Rồi nữa: Sách văn học dịch đang lấn át sách của các nhà văn cổ điển Việt Nam. Sách giải trí thuần túy đôi khi làm người đọc lệch hướng đang lấn át sách có giá trị thẩm mỹ đúng đắn…

   Nếu ai quan tâm sẽ thấy lo lắng cho vị thế của sách văn chương trong đời sống xã hội hiện đại. Một quốc gia có gần 100 triệu dân mà một tiểu thuyết hạng khá chẳng hạn, in ra với số lượng 1.000 cuốn đã bán lay bán lắt. Vì thế, nỗi sợ hãi có thật của nhà văn ngày nay là tác phẩm mình viết và in ra sẽ bị chìm lấp trong thế giới mạng, trong sự a dua của “hội chứng đám đông”, trong sự thờ ơ cố tình hoặc vô tình của chính những người trước đây son sắt thủy chung với văn hóa đọc nay ngả theo, chạy theo văn hóa nghe-nhìn như của thời đại internet.

   Thế hệ độc giả trước đây yêu sách đến mê mẩn. Sách làm nên văn hóa một thế hệ, như nhà thơ Hữu Thỉnh đã viết: Không có sách, chúng tôi làm ra sách/ Chúng tôi làm thơ ghi lấy cuộc đời mình. Trong các nguyên nhân dẫn đến tình trạng văn hóa đọc xuống cấp ở ta hiện nay có lỗi của áp lực xã hội: Nạn học hành, thi cử nặng nề đã cướp mất tuổi thơ của một bộ phận thiếu niên; nạn “nhồi nhét” kiến thức vào học trò nhiều quá nên các em không có thời gian đọc sách, nhất là sách văn chương. Học sinh có lúc bị đưa ra làm “thí nghiệm” cho những ý tưởng và đề án thiếu thực tiễn, tốn tiền thuế của nhân dân.

Hội sách Ngày sách Việt Nam 2019 thu hút nhiều bạn trẻ.

   Lớp trẻ đang nói ở đây cũng rất khác nhau, không thể đưa ra một nhận định chung chung được. Trước hết, với lớp trẻ là sinh viên đại học và cao đẳng, đây là lực lượng nòng cốt của sự đọc sách. Nhưng tình hình cũng không mấy lạc quan. Họ chỉ chăm chăm đọc những sách phục vụ cho việc học và thi của hàng mấy chục môn học trong suốt bốn năm trời trên ghế nhà trường với cả trăm tín chỉ đè nặng trĩu lên vai. Có thời gian rỗi thì họ chơi facebook để giải trí, để tương tác hoặc lướt mạng để xem những gì mình thích, mà sở thích của họ thì cũng vô cùng vô tận. Nếu có dính dáng tí chút đến văn chương thì đọc sách ngôn tình, đam mỹ… Lớp trẻ là những người lao động tự do thì xem truyền hình và đọc báo là chủ yếu. Lớp trẻ là viên chức nhà nước thì bị áp lực công việc nên họ hay xả hơi, thư giãn bằng các loại hình văn hóa nghe-nhìn (một số ít thì đánh bạc, bia rượu…). Nhiều người có tâm huyết đang thực sự lo lắng khi sách văn chương có nguy cơ trở thành “xa xỉ phẩm”. Ngay cả sinh viên ngành ngữ văn các trường đại học, cao đẳng cũng rất ít đọc sách văn chương, họ thường học “chay”. Thậm chí, đáng buồn hơn, các thầy giáo, cô giáo dạy Văn đại học cũng ít đọc Báo Văn nghệ, Tạp chí Nghiên cứu văn học.

   Sách hay và sách bán chạy

   Đây là vấn đề thời sự nhất hiện nay trong lĩnh vực sách. Theo tôi, sách hay và sách bán chạy (best-seller) không phải là một, nhưng có liên quan mật thiết với nhau. Sách hay thường được coi là “sách gối đầu giường” không chỉ của một người mà là của một và nhiều thế hệ, cao hơn là của một dân tộc, cả nhân loại, trở thành những giá trị cổ điển, như kiệt tác “Don Quijote” (Đông Ky-sốt) của Cervantes được bình chọn là “cuốn sách hay nhất mọi thời đại”, hoặc như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du được coi là “Kinh Thánh của người Việt”… Sách hay không nhất thiết là sách bán chạy, nhưng cần thiết cho đời sống tinh thần của chúng ta, nó là “của để dành”.

   Sách hay là mơ ước, là đích đến của người sáng tác. Tạp chí Văn nghệ Quân đội đang tổ chức cuộc thi truyện ngắn (2018-2019) mang tên “Lửa Mới”. Một cuộc thảo luận “Đi tìm truyện ngắn hay” đang được đăng tải trên nhiều số của tạp chí. Đồng thời, nhân dịp mở trại sáng tác thường niên tại Tuyên Quang (tháng 10-2018), Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã tổ chức một cuộc tọa đàm chuyên môn thú vị “Đi tìm truyện ngắn hay”. Vào tháng 9-2018, cũng có một cuộc tọa đàm với chủ đề “Làm thế nào để có tác phẩm hay. Những giải pháp căn bản thúc đẩy sáng tác” do Liên chi hội Nhà văn các tỉnh phía Bắc tổ chức tại Thái Nguyên. Nhà xuất bản (NXB) Hội Nhà văn vừa ra mắt sách chuyên đề “Viết và đọc” xuất bản theo quý…

   Nhân bàn về sách hay, chúng tôi xin được nhắc lại một câu chuyện thú vị được nhà phê bình Vương Trí Nhàn kể lại: Sinh thời, nhà văn Nguyễn Minh Châu được nhiều bạn đọc hâm mộ. Một lần, có một bạn đọc vốn là cựu chiến binh nhờ Nguyễn Minh Châu tư vấn cho sách hay để đọc. Nhà văn Nguyễn Minh Châu đã giới thiệu các trước tác của Vũ Bằng. Một dạo sau, bạn đọc ấy lại gặp và nhờ Nguyễn Minh Châu giới thiệu tiếp những cuốn sách hay như của Vũ Bằng mà ông đã đọc. Nguyễn Minh Châu cảm thấy rất kính nể bạn đọc tinh tường nhưng trả lời sách hay như thế thì… hiếm lắm!

   Sách bán chạy (best-seller) thường đáp ứng nhất thời những yêu cầu nào đó của một bộ phận độc giả nào đó cũng như mục đích kinh doanh của người viết và người tổ chức sản xuất là không thể phủ nhận, nhất là trong cơ chế thị trường hiện nay. Sách bán chạy thuộc phạm trù “văn hóa đại chúng”. Con người thời kỹ trị, thời thị trường theo cơ chế tiêu dùng, tiện nghi, hữu ích, thực tế… không mặn mà với loại hình nghệ thuật buộc phải nghiền ngẫm, suy tư. Đa phần công chúng ưa “nghe-nhìn” (nhanh, nhiều, rẻ). Tương tự, họ thích chất giải trí của các tác phẩm văn chương dòng trinh thám, viễn tưởng, ngôn tình, kỳ ảo…

   Cách đây chưa lâu cũng đã có tranh luận về phim hay, có một luồng ý kiến cho rằng phim hay không hẳn là phim có nhiều người xem. Cũng vậy, sách bán chạy chưa hẳn đã là sách hay. Bởi vì người đọc hiện nay, nếu có thể nói, vừa rất thông minh, vừa rất “đỏng đảnh”, đôi khi khó tính một cách vô lối trước những cuốn sách hay đích thực. Không ít NXB hiện nay đang hướng tới sản xuất sách bán chạy. Họ chủ yếu bán giấy phép cho tác giả, tác giả thì đi tìm “đầu nậu”, các nhà sách có kinh nghiệm làm sách… Người viết bán tác phẩm cho tư nhân, nhưng nếu xảy ra chuyện gì thì chính các NXB chịu trách nhiệm trước pháp luật. Sách bán chạy đang chiếm lĩnh thị phần sách hiện nay. Nhưng không nên từ đó mà bi quan, rồi sẽ đến lúc có sự cân bằng giữa sách hay và sách bán chạy.

   Chấn hưng và định hướng

   “Định hướng” văn hóa đọc là một cách nói có tính chiến lược cho toàn bộ lĩnh vực đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong lĩnh vực văn học-nghệ thuật, vấn đề định hướng trở nên ít rõ ràng và khó khăn hơn khi thực hiện. Vì sáng tạo và thưởng thức nghệ thuật đều mang tính cá nhân cao độ. Đời sống hiện nay ở ta đang diễn ra tình trạng rối loạn thẩm mỹ đối với một bộ phận thanh niên nói riêng, cộng đồng nói chung. Tương tự, trong văn hóa và cụ thể là văn hóa đọc, chúng ta đang đứng trước những thách thức không dễ dàng giải quyết trước tình trạng nhiễu loạn thẩm mỹ.

   Một định hướng đúng về cách sống cũng như về cách ứng xử văn hóa là kết quả của một sự vận động tổng thể của nhiều phương diện: Cá nhân và xã hội, gia đình và xã hội, nhà trường và xã hội, dân tộc và nhân loại, quá khứ và hiện tại, kinh tế và văn hóa… Nói một cách thẳng thắn, một bộ phận lớp trẻ hiện nay đang mất phương hướng trên nhiều phương diện của đời sống. Vì thế, nếu có sự dao động trong cách tiếp cận và chiếm lĩnh sách (và sách văn học) như là biểu tượng của văn hóa, thì cũng không có gì là khó hiểu. Sau chiến tranh, chúng ta đang khôi phục kinh tế, chúng ta đang muốn vươn lên làm giàu, các mục đích kinh tế đôi khi làm một số không ít thanh niên nghĩ rằng đấy là tất cả mục tiêu phấn đấu của cuộc đời, mà quên rằng văn hóa mới là thước đo cao nhất cho sự phát triển của một quốc gia cũng như một cá nhân. Bác Hồ khẳng định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” chứ không phải kinh tế.

   Điều nguy hiểm nhất hiện nay, xét từ góc độ tâm lý xã hội, là con người dần dần đánh mất cảm hứng tích cực trong hoạt động. Tâm lý đối phó, chống đối, qua chuyện, tắc trách, buông bỏ… đang lấn sân tính tích cực và tự giác cao của công dân. Nhưng làm thế nào để duy trì và phát huy cảm hứng tích cực? Đây là câu hỏi lớn khó có câu trả lời vắn gọn. Cách đơn giản nhất là đổ lỗi cho thời đại kỹ trị, thậm chí đổ lỗi cho Cách mạng công nghiệp 4.0 khi thế giới được số hóa, tự động hóa. Chúng ta thường nói đến thành phố thông minh, ngôi nhà thông minh… tất cả đều thông minh, nhưng thực tế con người đang kém trí thông minh hơn trước. Bằng chứng là con người thật sự ngu ngốc khi tấn công vào bà mẹ Tự nhiên vĩ đại.

   Những người làm bố, làm mẹ ở đất nước Israel thường xuyên khuyên con cái mình: “Trước khi đi ngủ, con hãy cố gắng đọc một trang sách”. Người ta hay chê trách, phê phán người trẻ lười đọc sách, nhưng hãy xem người lớn tuổi có ham đọc? Câu chuyện về các lãnh tụ Lênin, Hồ Chí Minh, Phidel Castro yêu sách vẫn còn lưu truyền khắp thế gian. Gần đây, việc tổ chức những hội sách, đường sách, phố sách ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là những khởi động đáng lạc quan.

   Văn hào Nga M.Gorky nói: “Quần chúng thưởng thức nghệ thuật cũng cần được giáo dục”. Rõ ràng là công chúng nghệ thuật hiện nay, trong đó có độc giả, đang rất tự phát trong tiếp nhận văn học. Tình trạng này nếu kéo dài sẽ dẫn đến hệ lụy một lúc nào đó sách văn học “nằm ngủ” trên giá, mình phủ đầy bụi. Nỗi lo lắng này không của riêng tôi. Nói một cách thẳng thắn và nghiêm khắc thì tình trạng không kiểm soát được và có chiều hướng thả nổi việc in ấn, xuất bản cũng như việc đọc là một thực tế nhỡn tiền đáng báo động.

   Báo Phụ nữ Thủ đô trong 10 năm qua (2008-2018) đã kiên trì tổ chức Cuộc thi đọc “Cuốn sách em yêu thích”. Đây không đơn giản chỉ là thi thố theo phong trào, sâu xa là một cách thức, phương pháp chấn hưng văn hóa đọc và kết quả rất khả quan, cần nhân rộng mô hình này để chấn hưng văn hóa đọc. Nước ta có hơn 20 triệu người đi học các cấp từ thấp lên cao. Văn hóa nghe-nhìn đang tỏ rõ sức mạnh cạnh tranh quyết liệt của mình với văn hóa đọc. Nhưng văn hóa đọc có đầu tiên và sẽ định vị đến cuối cùng. Sách cho con người tri thức và sức mạnh. Trách nhiệm của người viết sách (nhà văn), của người làm sách (NXB), của cơ quan chức năng quản lý nhà nước cùng ra quân, hiệp đồng “tác chiến”, nhất định văn hóa đọc sẽ được chấn hưng.

   Tôi thích câu nói của anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi: “Không cần đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc sách mà thôi”. Câu châm ngôn “Mở một cuốn sách thấy một con người” có ý nghĩa lý luận và thực tiễn khi chúng ta nói rộng ra: “Văn hóa đọc là diện mạo tinh thần của một dân tộc”.

Nhà phê bình BÙI VIỆT THẮNG
Nguồn: https://ct.qdnd.vn

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây