Trang chủ Hoạt động “Khiêm tốn tướng quân” Phạm Kiệt

“Khiêm tốn tướng quân” Phạm Kiệt

0
1630

    Tác giả Phạm Huy Tập trong sách “Những vị tướng biên phòng” đã viết về Trung tướng Phạm Kiệt: “Điểm nổi bật của Trung tướng Phạm Kiệt là tính khiêm tốn… Ông luôn thể hiện là người có nhân cách, sống theo lý tưởng cao đẹp, càng trải nghiệm nhiều, hiểu biết nhiều càng không kiêu ngạo. Đó là sự khiêm nhường của một nhân cách lớn”. Bạn bè, đồng chí lúc đương thời thường gọi thân mật ông là “Khiêm tốn tướng quân”…

    Người Đội trưởng Đội du kích Ba Tơ huyền thoại

    Phạm Kiệt tên thật là Phạm Quang Khanh, sinh ngày 10-1-1910, trong một gia đình nông dân yêu nước ở làng An Phú, nay là thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Quê hương ông là vùng đất linh khí của núi Ấn, sông Trà, một vùng đất hẹp nhưng khí mạch rất hậu, đời nào cũng có danh nhân. Phạm Kiệt sớm rèn đúc cho mình những phẩm cách của người Quảng Ngãi, như ý chí vươn lên không ngừng, tính cách thẳng thắn, mạnh mẽ, sẵn sàng chịu đựng gian khổ, hy sinh vì nghĩa lớn, vì cộng đồng, dân tộc. Năm 15 tuổi, ông đã tham gia “phong trào văn thân” đấu tranh chống Pháp. Vì vậy, ông cũng sớm giác ngộ lý tưởng cộng sản, trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Đông Dương tháng 1-1931.

    Do tích cực hoạt động trong Công hội đỏ và Xích vệ đỏ của Đảng, tháng 6-1931, ông bị lộ và bị mật thám Pháp bắt, đưa về Nhà tù Buôn Ma Thuột. Tại đây, với tính cách mạnh mẽ, ông từng thẳng tay trừng trị những tên cai ngục hay đánh đập chính trị phạm khiến bọn cai ngục phải nể mặt. Ông cùng chi bộ bí mật trong tù đã tổ chức vượt ngục cho nhiều đồng chí lãnh đạo của Đảng, trong đó có đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Ngày 9-3-1945, phát xít Nhật đảo chính thực dân Pháp, tình thế cách mạng xuất hiện. Trung ương Đảng ra Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” nhưng chỉ thị chưa vào đến Quảng Ngãi thì Tỉnh ủy lâm thời Quảng Ngãi đã quyết định khởi nghĩa.

Bác Hồ và đồng chí Phạm Kiệt năm 1964. Ảnh tư liệu

 

    Khởi nghĩa Ba Tơ thành công, chính quyền về tay nhân dân. Được Tỉnh ủy Quảng Ngãi giao làm Chỉ huy trưởng Đội du kích Ba Tơ, Phạm Kiệt cùng với các đồng chí Nguyễn Đôn, Nguyễn Khoách đã nhanh chóng củng cố tổ chức, tăng cường lực lượng, dần đưa Đội du kích Ba Tơ vào nề nếp. Chập tối ngày 14-3-1945, toàn Đội du kích Ba Tơ đã làm lễ tuyên thệ tại hang Én-suối Loa với lời thề “Quyết tử vì Tổ quốc”. Sau này, Đội du kích Ba Tơ được công nhận là một trong những đơn vị tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

    Cuối tháng 9-1945, Phạm Kiệt được giao là Chỉ huy trưởng Ủy ban quân chính Nam phần Trung Bộ. Đầu năm 1946, đồng chí Võ Nguyên Giáp được Bác Hồ phái vào miền Nam công tác. Tại đình Xuân Hòa, Ninh Hòa, Khánh Hòa, lần đầu tiên Phạm Kiệt gặp Võ Nguyên Giáp, người tổ chức và chỉ huy Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Đó cũng là khởi đầu cho một tình bạn, tình đồng chí, đồng đội hết sức tốt đẹp về sau.

    Được Bác Hồ tặng “bảo vật”

    Là Chỉ huy trưởng Đội du kích Ba Tơ huyền thoại, với nhiều chiến công xuất sắc nên Phạm Kiệt được Bác Hồ biết đến từ rất sớm. Nhưng mãi đến năm 1950, ông mới lần đầu được gặp Bác.

    Lần đó, ông được điều ra Việt Bắc để chuẩn bị đi Trung Quốc dự khóa bồi dưỡng kiến thức quân sự. Được tổ chức bố trí đến gặp Bác, ông vừa bước vào lán, Bác đã đứng dậy đón và nói: “Chú Tê-đơ vào đây”. Tê-đơ (T.deux, T2) là bí danh của Phạm Kiệt. Thấy Bác biết cả bí danh của mình, Phạm Kiệt xúc động khôn tả.

    Trong ba lần Phạm Kiệt được Bác Hồ tặng quà, lần đi vào lịch sử nhất là sau Chiến dịch Điện Biên Phủ. Bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 19-1-1995 gửi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhân hội thảo về Trung tướng Phạm Kiệt nhắc đến vai trò của Phạm Kiệt tại mặt trận Điện Biên Phủ: “Đặc biệt, tại mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ, anh được tôi cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc. Anh đã đến tận nơi, kiểm tra trận địa pháo binh, phát hiện sự nguy hiểm bố trí pháo binh dã chiến tại một địa bàn tương đối bằng phẳng. Lúc bấy giờ, toàn thể cán bộ và chiến sĩ đang hăng hái triển khai kế hoạch đánh nhanh. Bản thân tôi thì đang khẩn trương theo sát tình hình củng cố của địch và suy nghĩ về quyết định thay đổi phương châm. Chính vào lúc đó thì nhận được ý kiến của anh Phạm Kiệt phát biểu qua điện thoại. Anh trình bày vắn tắt tình hình và là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch đánh nhanh”.

    Lúc ấy, Đảng ủy Mặt trận đã thông qua kế hoạch “đánh nhanh, thắng nhanh”, toàn quân đang nô nức thực hiện quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ trong 3 ngày 2 đêm. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra mặt trận, ông trăn trở và nung nấu “quyết định khó khăn nhất” của mình, chuyển sang “đánh chắc, tiến chắc” nhưng chưa có ai để chia sẻ. Trong thư, Đại tướng viết: “Sau này mới biết có cán bộ lo ngại, nhưng khi đó không một ai nói lên ý nghĩ thật của mình vì ngại cho là dao động. Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Phạm Kiệt, ý kiến ấy cùng với những tin tức trinh sát từ nhiều mặt gửi về đã cung cấp cho tôi căn cứ quan trọng để đề ra với Đảng ủy thay đổi phương châm tác chiến, rút quân ra, chuyển sang kế hoạch mới “đánh chắc, tiến chắc”. Tôi càng thấy rõ anh Kiệt là một cán bộ có trình độ chính trị và quân sự, có tinh thần kiên định, lại có bản lĩnh vì nghĩa lớn, nói lên sự thật không chút ngần ngại. Anh đã để lại cho chúng ta một tấm gương về đức tính, về bản lĩnh của người đảng viên cộng sản”. Sau này, trong hồi ức của mình, đồng chí Vũ Kỳ kể, có lần Bác nói: “Chú Kiệt là người dám nói thẳng, nói thật… Bác cần nghe những thông tin như thế!”.

    Ngay sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ gọi Phạm Kiệt lên gặp và tặng ông một chiếc radio. Bác nói: “Đây là chiếc đài mà Đờ Cát dùng suốt Chiến dịch Điện Biên Phủ. Chú Vương Thừa Vũ tặng Bác, nay Bác tặng lại chú vì đã có công đặc biệt xuất sắc góp phần làm nên thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ!”.

    Ngoài ra, gia đình Trung tướng Phạm Kiệt còn giữ được hai “bảo vật” khác, đều là quà của Bác Hồ tặng. Đó là khẩu súng cạc bin mà Bác Hồ tặng Phạm Kiệt sau Chiến dịch Biên giới 1950 và khẩu súng lục Mô-de mà Bác tặng bà Trần Thị Ngộ, vợ đồng chí Phạm Kiệt khi bà và 3 con ra Việt Bắc đầu năm 1954. Cả ba “bảo vật” này, gia đình đã hiến tặng Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

    Vị tướng khiêm nhường

    Cho đến nay, lịch sử lực lượng Bộ đội Biên phòng Việt Nam ghi nhận Trung tướng Phạm Kiệt là vị tư lệnh giữ cương vị này lâu năm nhất, từ năm 1961 đến 1975, ông còn là Thứ trưởng Bộ Công an và kiêm nhiệm chức vụ Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (Bộ đội Biên phòng hiện nay) từ năm 1968 đến 1975.

    Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết về ông: “Trọn đời cống hiến tận tâm, trọn vẹn cho đồng bào, đất nước, không bao giờ đòi hỏi, thu vén cho gia đình. Anh sống giản dị và chất phác, luôn chăm lo cho cấp dưới, cho mọi người với tất cả những gì có thể, ai từng công tác, tiếp xúc hay cấp dưới đều kính trọng, kính nể, kính phục và yêu quý anh Phạm Kiệt”.

    Khi làm Tư lệnh kiêm Chính ủy Công an nhân dân vũ trang (CANDVT), thấy cuộc sống gia đình ông còn nhiều khó khăn, cơ quan muốn trang bị cho ông một số vật tư, đồ dùng tiện nghi, ông đã từ chối và nói: “Tôi không muốn người khác ưu tiên cho mình, đồ dùng nên dùng đúng tiêu chuẩn quy định”. Quan điểm này, ông cũng dùng để giáo dục trong gia đình. Vợ con ông noi gương ông cho đến tận hôm nay, không làm bất cứ điều gì ảnh hưởng đến thanh danh của ông.

    Là một vị tướng chiến trận, khi được Đảng, Bác Hồ giao trọng trách Thứ trưởng Bộ Công an, Tư lệnh kiêm Chính ủy CANDVT, ông lập tức cùng Đảng ủy, Bộ tư lệnh bắt tay củng cố hệ thống tổ chức CANDVT ba cấp, từ Bộ tư lệnh cho đến các đồn, trạm biên phòng; thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh trên các tuyến biên giới; tập trung xây dựng lũy thép biên phòng toàn dân; bảo vệ an toàn tuyệt đối các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cơ quan ngoại giao, các mục tiêu chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa đầu não quan trọng ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc. Đặc biệt, trong chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, ông đã chỉ đạo lực lượng lập nên nhiều chiến công lớn.

    Điển hình là vụ Mỹ-ngụy tung gián điệp xâm nhập miền Bắc bằng đường biển từ đầu năm 1961 tại khu vực Hồng Quảng. Khi nhận tin báo, Tư lệnh Phạm Kiệt lập tức có mặt tại hiện trường, nơi toán gián điệp để lại dấu vết. Với giác quan nhạy bén, tầm nhìn chiến lược, ông nhận định ngay đây là âm mưu cài cắm gián điệp phá hoại lâu dài miền Bắc. Chuyên án bắt gián điệp dưới quyền chỉ huy của Tư lệnh Phạm Kiệt đã hoạt động hiệu quả ròng rã hơn 10 năm. Với chiến thuật “dùng địch câu nhử địch” đã bắt hàng chục toán gián điệp, biệt kích, thu nhiều vũ khí, điện đài. Sau khi thâm nhập bằng đường biển thất bại, Mỹ-ngụy còn dùng đường không và  đường bộ, tung nhiều toán gián điệp, biệt kích thâm nhập vùng rừng núi thuộc Lào rồi xâm nhập Việt Nam. Nhưng họ đã nhận thất bại thảm hại bởi sự cảnh giác của nhân dân và lực lượng biên phòng.

    Là vị tướng biên phòng nên đồng chí Phạm Kiệt tự đặt cho mình mục tiêu “luôn dành 1/3 thời gian trong năm để đi đến những địa bàn xa xôi, khó khăn, gian khổ nhất”. Ông luôn trăn trở vì mỗi lần đi công tác ở biên giới đều tận mắt chứng kiến cuộc sống còn rất nghèo khổ của bộ đội và nhân dân. Một lần đi công tác vào những ngày sát Tết, thấy đồng bào làm nghề thủ công (làm nồi đất) không bán được hàng để về ăn Tết, ông bỏ tiền ra mua khá nhiều nồi đất dù gia đình chẳng dùng vào việc gì. Việc làm đó của ông khiến những cán bộ tùy tùng ghi nhớ mãi về tấm lòng thương dân, luôn nghĩ đến nhân dân của ông.

TRẦN ĐỨC
Nguồn: http://ct.qdnd.vn

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây