Chúng ta hãy về thăm Sơn Mỹ, vùng đất một thời đau thương và tàn phá bởi bom đạn chiến tranh nay đã được đổi mới, đời sống người dân ngày càng nâng cao. Sơn Mỹ không chỉ có tượng đài, nhà trưng bày, mà còn có biển, có rừng dương, có những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, những ngôi chùa cổ kính, lăng mộ gắn với các câu chuyện nhuộm mầu kỳ bí.
Từ đầu cầu Trà Khúc 1 nối hai bờ Trà giang có địa danh “Long đầu hý thủy” (đầu rồng giỡn nước) gắn với truyền thuyết “Cao Biền yểm long mạch”. Nhà thơ Bút Sơn đã có câu thơ vịnh: “Trà sơn uốn khúc dặm chơi vơi/ Như đến nơi đây ngắm cảnh đời/ Núi dựng đầu Rồng vờn sóng lượn/ Nước phăng đuôi rắn xoáy triều trôi…”. Nếu chúng ta đi về hướng biển phía Đông thì Sơn Mỹ sẽ cách nơi này khoảng 12km.
Núi Thiên Ấn cách cầu Trà Khúc 1 khoảng 2km, núi cao 105m so với mực nước biển. Trên núi có chùa Thiên Ấn do thiền sư Pháp Hóa đốc công xây dựng năm Ất Hợi (1695) niên hiệu Chính Hòa 15, đời vua Lê Hy Tông (tức đời chúa Nguyễn Phúc Chu – Đàng Trong). Chùa Thiên Ấn là một ngôi cổ tự xưa nhất trên đất Quảng Ngãi, là một trong những danh lam thắng cảnh thân quen, niềm tự hào của cư dân xứ Quảng. Cùng với sông Trà, núi Thiên Ấn tạo thành “Ấn trời đóng trên sông” (Thiên Ấn niêm hà). Chúng ta đến viếng chùa Thiên Ấn còn được chiêm ngưỡng cảnh đẹp vườn thượng uyển; giếng nước cổ được đào từ Tổ khai sơn (1695 – 1754), thường gọi là giếng Phật; chuông Thần bằng đồng lớn do làng đúc đồng Chú Tượng xã Đức Hiệp, huyện Mộ Đức tiến cúng. Phía Bắc ngôi chùa còn có ngôi mộ Quyền Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng.
Trên tuyến đường về Sơn Mỹ, cách chùa Thiên Ấn không xa khoảng 5km về hướng Đông là đến di tích thành cổ Châu Sa, một trong những công trình kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Thành cổ Châu Sa được xây dựng bằng đất, đá vào khoảng thế kỷ thứ IX – X, còn khá nguyên vẹn so với các thành đất do người Chăm xây dựng ở khu vực miền Trung nước ta.
Từ thành cổ Châu Sa đi tiếp sẽ đến di tích lịch sử cấp Quốc gia Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định. Ông sinh ra tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi. Cha của Trương Định là Lãnh binh Trương Cầm, từng là Hữu thủy Vệ úy ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị từ năm 1841 đến năm 1847. Năm 1844, Trương Định theo cha vào Nam. Năm 1850, Trương Định chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền ở Gia Thuận (Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Sau đó, ông được phong làm Quản cơ, hàm Chánh lục phẩm. Tháng 2 năm 1859, Trương Định dẫn quân đồn điền đánh Pháp tại điểm Cây Mai, Thị Nghè, tỉnh Gia Định. Cùng với Nguyễn Tri Phương, Võ Duy Ninh thì Trương Định là một trong những người chỉ huy đánh Pháp đầu tiên ở Nam bộ và được quân dân suy tôn là Bình Tây Đại Nguyên Soái. Sau khi tuẫn tiết, Trương Định được vua Tự Đức truy tặng phẩm hàm và lập đền thờ tại làng Tư Cung ngày nay.
Cách đền thờ Trương Định 500m là Khu chứng tích Sơn Mỹ. Đến đây chúng ta sẽ hình dung được cuộc thảm sát qua những sơ đồ, hình ảnh, hiện vật, tư liệu trưng bày tại Nhà trưng bày, Nhà tưởng niệm, tượng đài và các điểm chứng tích khác trong khuôn viên…
Bãi biển Mỹ Khê chỉ cách khu chứng tích Sơn Mỹ vài ba cây số, là một bãi tắm nổi tiếng của tỉnh Quảng Ngãi. Về phía Nam bãi biển Mỹ Khê có mũi Ba làng An, cảng Sa Kỳ và Thạch Ky Điếu Tẩu. Bãi biển Mỹ Khê nằm giữa cửa Sa Kỳ và cửa Cổ Lũy, bãi biển hình vòng cung, dài khoảng 5km và trải dài theo bãi biển Mỹ Khê còn có cánh rừng dương bát ngát. Ẩn dưới cánh rừng dương là những xóm làng đơn sơ cùng những người dân chài hiền lành, mộc mạc, là điểm đến lý tưởng của mỗi du khách.
Chúng ta tìm về Sơn Mỹ để cất lên tiếng nói khát vọng hòa bình, và cũng là để ôn lại lịch sử văn hóa truyền thống khá đặc biệt tại mảnh đất này./.
Minh Tuấn