VĂN HÓA NGHỆ THUẬT DÂN TỘC VIỆT NAM

0
353

   Giáo sư Hoàng Chương sinh ra trên mảnh đất Bình Ðịnh, quê hương của những danh nhân tuồng nổi tiếng Ðào Duy Từ, Ðào Tấn, Nguyễn Diêu…, không biết tự lúc nào, tình yêu với những câu hát bội đã nuôi dưỡng tâm hồn ông, để rồi Giáo sư Hoàng Chương đã dành trọn cả cuộc đời mình cho nghệ thuật sân khấu dân tộc. Từ khi còn là diễn viên của đoàn văn công Liên khu V, đến khi được Nhà nước cử đi học tại Ðại học Sân khấu ở Liên Xô (1962-1964), rồi làm nghiên cứu sinh tại Rumani (1969-1973), rồi trở thành Phó Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam. Sau này, ông là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sân khấu Việt Nam. Hiện nay là Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc Việt Nam, kiêm Chủ nhiệm Tạp chí Văn hiến Việt Nam, chưa bao giờ Giáo sư Hoàng Chương thôi nỗ lực và phấn đấu vì sự phát triển của nền sân khấu nước nhà.

   Cuốn sách “Văn hóa nghệ thuật dân tộc Việt Nam” tập hợp các bài viết của mình trên con đường nghiên cứu văn hóa dân tộc Việt Nam. Nội dung sách có các phần chính, phần một viết về văn hóa những chặng đường phát triển, trong đó có các bài viết nổi bật như: Văn hóa là nền tảng; thực trạng vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc; những giải pháp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc; vai trò của báo chí trong việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc; doanh nhân Việt Nam với văn hóa dân tộc; văn hóa làng nghề truyền thống đất kinh kỳ; lễ phục Việt Nam… các bài viết thể hiện tính cách nghiên cứu, lẫn văn chương báo chí nói lên thực trạng văn hóa Việt Nam trong thời điểm Nghị quyết Trung ương khóa 11 về “xây dựng văn hóa và con người” và Nghị quyết Trung ương 5 khóa 8 là “Xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc Việt Nam” đang được triển khai rộng rãi trong cả nước. Phần hai của cuốn sách viết về nội dung nghệ thuật dân tộc, nổi bật như các bài viết: Sân khấu dân tộc Việt Nam; văn học nghệ thuật trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa; bảo tồn và phát triển sân khấu dân tộc; mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại trong nghệ thuật; tiếp thị, quảng bá nghệ thuật – cầu nối đưa khán giả đến sân khấu; những vần thơ thép một vở diễn hay về hình tượng Bác Hồ; những bông hoa nghệ thuật của núi rừng Việt Bắc; thung lũng tình yêu; xiếc Việt nam; âm nhạc và ca hát bài chòi; cải lương – sản phẩm của lòng ái quốc tinh thần dân tộc và trách nhiệm xã hội;… và một số bài viết khác về loại hình nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Bằng cả tấm lòng yêu mến nghệ thuật sân khấu, tác giả đã có những đánh giá, nhận xét một cách xác đáng, chu đáo nói lên những thực trạng, giải pháp phát triển của sân khấu Việt Nam, góp phần bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể và vật thể của dân tộc từ lúc có Luật Di sản Văn hóa ra đời vào năm 2003. Phần ba của cuốn sách viết về giao lưu văn hóa nghệ thuật dân tộc như: Văn hóa đối ngoại; mối quan hệ sân khấu Việt Nam với sân khấu Đông Nam Á; mối tương đồng văn hóa Việt Nam và Hàn Quốc; Tiết kiệm một nét văn hóa của người Nhật; nhịp cầu văn hóa Việt Nam – Rumani; ấn tượng Trung Hoa; hát bội Việt Nam trên sân khấu Đức; đem nghệ thuật Tuồng trở lại nước Mỹ; nghệ thuật dân tộc trên đất Liên Xô; A-xtra-khan thành phố âm nhạc… Ngoài những nghiên cứu của ông cho sự nghiệp bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc nước nhà, Giáo sư Hoàng Chương còn đưa văn hóa dân tộc ra nước ngoài biểu diễn, giao lưu, giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam ở hải ngoại, đây được xem là một thành công trên con đường nghệ thuật của ông. Phần cuối cuốn sách giới thiệu tài liệu tham khảo, những công trình của tác giả đã được công bố; lời thưa với độc giả.

   Cuốn sách Văn hóa nghệ thuật dân tộc Việt Nam của Giáo sư Hoàng Chương được Nhà xuất bản Văn hóa – Thông tin ấn hành vào năm 2015, sách dày 694 trang, kích thước 14,5×20,5cm.

   Sách được phục vụ độc giả tại Thư viện Tổng hợp Quảng Ngãi, số 103 Hùng Vương, Thành phố Quảng Ngãi./.

Minh Tuấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây