Từ thuở hồng hoang của lịch sử, với truyền thuyết Âu Cơ – Lạc Long Quân, người Việt đã gắn bó cuộc sống của mình với biển đảo. Với một đất nước có đối mặt với biển, “đứng trước biển” để tồn tại và phát triển. Vì vậy, biển đảo luôn tồn tại trong tâm thức của người Việt từ cội nguồn dân tộc của bọc trứng Âu Cơ cho đến cuộc vật lộn để sinh tồn của Mai An Tiêm trên hòn đảo hoang và gần đây nhất là biển Đông dậy sóng cuộn trào niềm khát vọng, niềm tin và sức mạnh bảo vệ chủ quyền biển đảo của toàn thể người Việt Nam chúng ta trong nước cũng như khắp nơi trên thế giới.
Văn hóa biển đảo, đặc biệt là văn hóa dân gian, được thể hiện đậm nét trong đời sống của cư dân biển đảo. Họ đa số là những người từ nội đồng đi ra biển, song sống trong môi trường biển đảo, bên cạnh những giá trị văn hóa đem ra từ đất liền, là những giá trị văn hóa được tạo nên từ bối cảnh biển đảo nơi họ sinh tồn. Những ca dao, tục ngữ, truyền thuyết, phong tục tập quán, lễ hội, tri thức về đời sống, về con nước, luồng lạch, về các loài sinh vật biển, về sóng, về gió… được người dân biển đảo đúc rút thành những kinh nghiệm đi biển cho mình và trở thành các giá trị văn hóa biển đảo để chúng ta có được hôm nay.
Cuốn sách Văn hóa biển đảo Việt Nam do nhà xuất bản Công an nhân dân dân ấn hành năm 2017, với 839 trang, khổ 19 x 27 cm, là một bộ sưu tập có thể nói là phong phú, nó bao gồm nhiều lĩnh vực khác nhau của các thành tố văn hóa dân gian, hơn thế do địa hình trải dài của đất nước dọc từ Bắc xuống Nam với nhiều vùng địa lý khác nhau, khí hậu khác nhau và cộng đồng cư dân và tộc người khác nhau nên đã tạo ra một kho tàng văn hóa dân gian biển đảo vừa phong phú vừa đa dạng, phản ảnh được những điểm chung và những nét đặc thù riêng của mỗi vùng miền. Đây là một công trình giúp ít rất nhiều cho các nhà nghiên cứu, các nghiên cứu sinh, sinh viên và đông đảo bạn đọc muốn tìm hiểu về văn hóa biển đảo Việt Nam nói chung và văn hóa dân gian biển đảo nói riêng.
Vân Trà