Đây chính là sổ tay hướng dẫn súc tích, cô đọng, dễ hiểu đối với các bạn đọc ở mọi lứa tuổi được viết dưới ngòi bút của Sean Covey.
Xuyên suốt 96 trang, với nhiều hình ảnh minh họa sinh động và dễ thương, hi vọng rằng sau khi hoàn thành Thực Hành 7 Thói Quen Của Bạn Trẻ Thành Đạt, bạn sẽ có thể đánh giá được các kỳ vọng cho bản thân mà bạn đã đặt ra, giúp bạn tránh được những thói quen xấu từ đó xây dựng những thói quen tốt, hướng đến thành công. Dưới đây là 7 thói quen được giới thiệu trong cuốn sách.
Thói quen 1: Luôn chủ động
Đầu tiên, hãy nhớ về những lựa chọn mà bạn đã chủ động thực hiện và liệt kê nó ra. Lưu ý rằng, cách diễn đạt cũng cho thấy rằng bạn có đang chủ động hay không. Thay vì những câu “Mình không quyết định được đâu”, “Bất công quá đi”; hãy tập suy nghĩ bằng những câu như “Tôi sẽ làm ngay luôn”, “Mình bàn chuyện này trước tiên đi”,… Tôi tin là bạn có thể hoàn toàn chủ động! Sau đây là một số cách để bạn có thể thực hành luôn.
Thói quen 2: Nhắm trước đích đến
Nhắm trước đích đến sẽ giúp bạn sống một cuộc đời có mục đích và đầy hi vọng. Đầu tiên, hãy thử tự soi lòng mình, xem thử trong tương lai bạn muốn trở thành một người như thế nào? Bạn muốn có những phẩm chất nào trong cuộc đời mình? Bạn muốn đóng góp gì cho người khác và cho cộng đồng? Và cuối cùng, đặt ra một khẩu hiệu về mục tiêu cuộc đời của bạn.
Thói quen 3: Ưu tiên việc cần ưu tiên
Bạn có thể củng cố thói quen 3 bằng cách: lập kế hoạch hàng tuần, lên kế hoạch hằng ngày, lập danh sách và thực thành. Như tôi đã nói, đừng chỉ đọc không, mà hãy thực hành luôn đi, chúng ta chỉ thực sự đạt được mong muốn khi chúng ta đã bỏ công sức ra làm. Bạn đã tốn thời gian đọc bài viết này, vậy thì hãy dành nốt thời gian để liệt kê và thực hiện nó!
Thói quen 4: Tư duy cùng thắng
Ann Landers từng nói: “Thước đo thật sự cho tầm vóc của một cá nhân chính là cách người đó đối xử với kẻ có thể làm điều hoàn toàn không tốt với họ”. Tư duy cùng thắng, với bạn, có nghĩa là gì? Bạn đã có trải nghiệm về tư duy cùng thắng chưa? Nếu có, tôi chúc mừng bạn. Nếu chưa, điều đó không sao cả. Hãy cùng sống với thói quen số 4 bắt đầu từ tuần sau nào. Kể ra một tình huống đặc biệt mà bạn có thể phải đối mặt trong vòng 7 ngày sắp tới và nó đòi hỏi bạn phải có tư duy cùng thắng. Đó có thể là lúc chơi một bài nhạc, trong công việc,… Sau đó, ghi lại trải nghiệm của bạn từ việc vừa xảy ra.
Thói quen 5: Lắng nghe để được lắng nghe
Lắng nghe để được lắng nghe, hay nói cách khác là phải biết lắng nghe trước rồi hãy nói; nhìn nhận quan điểm của người khác trước rồi hãy chia sẻ quan điểm của mình. Để đi từ việc lắng nghe, chúng ta cần phải biết tới cụm từ “phản chiếu”. Đó là việc nhắc lại lời nói và cảm nhận của người khác bằng ngôn từ của bạn. Bạn sẽ không phán xét hay đưa ra lời khuyên nào cả.
Thói quen 6: Có tinh thần hợp tác
Để tạo ra và xây dựng tinh thần hợp tác, bạn phải chủ động tìm kiếm nó. Bạn phải thấy rằng mỗi cá nhân đều là duy nhất và coi trọng sự độc đáo đó. Hãy viết ra 10 mô tả về bản thân bạn: sáng tác truyện, nói được hai thứ tiếng trở lên, thích nghiên cứu động vật,…. Rồi bây giờ thì tìm thử xem những người phù hợp với từng mô tả của bạn. Mỗi một mô tả sẽ ứng với một người.
Thói quen 7: Mài lưỡi cưa thật bén
Tác giả Sean Covey nói: “Đó là việc làm mới bản thân và cân bằng các phương diện chính trong cuộc sống của bạn; gồm bốn phương diện chính: thể chất, cảm xúc qua các mối quan hệ, tâm linh và tâm trí.”
Đến với việc rèn luyện thể chất, hãy liệt kê những hoạt động bạn thích làm và những hoạt động bạn muốn thử; và sau đó quyết định thời gian, địa điểm, cách thức bạn thực hiện nó. Việc rèn luyện thể chất còn phụ thuộc vào chế độ ăn uống của bạn. Vì thế, hãy lập một kế hoạch dinh dưỡng để chăm sóc tốt cho cơ thể. Tiếp theo là phương diện chăm sóc trí óc; Chăm sóc trái tim; Chăm sóc tâm hồn.
Sách Thực Hành 7 Thói Quen Của Bạn Trẻ Thành Đạt, do nhà xuất bản Tổng Hợp thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2019.
Hữu Vương