Quần đảo Trường Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam, nằm ở vị trí địa – chính trị quan trọng trên Biển Đông. Những năm gần đây, một số quốc gia và vùng lãnh thổ đã liên tục thể hiện yêu sách chủ quyền đối với quần đảo này, khiến vấn đề tranh chấp chủ quyền giữa các bên trên Biển Đông nói chung và ở quần đảo Trường Sa nói riêng ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới. Trước thực trạng đó, Nhà nước Việt Nam qua các thời kỳ đã kiên trì khẳng định chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa bằng các chứng cứ lịch sử và căn cứ pháp lý vững chắc, đồng thời chủ trương giải quyết tranh chấp với các bên liên quan bằng đàm phán hòa bình, trên nguyên tắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, phù hợp với luật pháp, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982 và các hiệp định mà Việt Nam đã tham gia ký kết, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trên Biển Đông.
Cuốn sách chuyên khảo “Quá trình tranh chấp chủ quyền giữa các bên ở quần đảo Trường Sa từ năm 1988 đến 2020” do PGS.TS. Nguyễn Thị Quế và TS. Bùi Đức An đồng chủ biên, được Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia sự thật ấn hành năm 2021.
Nội dung sách gồm 3 chương.
Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về tranh chấp chủ quyền giữa các bên ở quần đảo Trường Sa từ năm 1988 đến 2020: Trình bày một số vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền ở quần đảo Trường Sa và lý thuyết quan hệ quốc tế liên quan đến tranh chấp chủ quyền, phân tích khái quát tranh chấp chủ quyền giữa các bên ở quần đảo Trường Sa trước năm 1988; nguồn gốc, những nhân tố tác động đến tranh chấp chủ quyền giữa các bên ở quần đảo Trường Sa từ năm 1988 đến 2020.
Chương 2: Thực trạng tranh chấp chủ quyền giữa các bên ở quần đảo Trường Sa (1988 – 2020): Nêu rõ quan điểm của Việt Nam và yêu sách chủ quyền của các bên. Đồng thời, các tác giả cũng nêu bật tình hình diễn biến phức tạp, căng thẳng, khó lường, thậm chí xảy ra xung đột, đe dọa trực tiếp đến chủ quyền, lợi ích quốc gia ở quần đảo Trường Sa; lý giải nguyên nhân, nguồn gốc sâu xa, thực trạng tranh chấp chủ quyền trên quần đảo Trường Sa, nhất là từ năm 1988 đến 2020.
Chương 3: Tác động, dự báo tranh chấp chủ quyền giữa các bên ở quần đảo Trường Sa đến năm 2028 và khuyến nghị: Các tác giả nghiên cứu các nhân tố tác động, từ đó dự báo kịch bản tranh chấp có thể xảy ra đến năm 2028, đồng thời đề xuất giải pháp giải quyết các tranh chấp, với nỗ lực tối cao là giảm thiểu nguy cơ xảy ra va chạm, xung đột, bảo vệ tối đa chủ quyền, lợi ích của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa, góp phần quan trọng giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Cuốn sách là tài liệu chuyên khảo quý, góp phần nâng cao ý thức của nhân dân về bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam; hiểu biết toàn diện hơn về quá trình tranh chấp chủ quyền giữa các bên ở quần đảo Trường Sa, từ đó nâng cao ý thức, góp sức cùng lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo Việt Nam.
Minh Nghìn