NHỮNG TÂM HỒN DẤU YÊU

0
1199

   Nguyễn Ngọc Ký bị liệt đôi tay từ 4 tuổi, 7 tuổi đi học dùng chân viết. Năm 1970 tốt nghiệp Đại học Tổng hợp khoa Ngữ Văn, trở về quê dạy học. Ông trở thành Nhà giáo ưu tú, Nhà văn Việt Nam đầu tiên viết bằng chân, là một tấm gương sáng vươn lên trong nghịch cảnh. Nhưng đằng sau những thành công vang dội mà ông gặt hái được, là những đóng góp không nhỏ của người thân trong gia đình luôn kề vai sát cánh bên ông, là những bàn tay ấm áp sẵn sàng trợ giúp ông, thay thế cho cánh tay tật nguyền sau cơn bạo bệnh.

   Truyện ký Những tâm hồn dấu yêu được nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành như một cái nhìn dài ngoái trông lại những kỷ niệm không thể nào quên của ông, với những gương mặt hồn hậu đất Việt mà ông đã từng nhận từ đó biết bao niềm tin và động lực, từ những người thầy người bạn, những người không quen biết, các bạn đọc mến mộ, các em học sinh… đến các bậc lãnh đạo và đặc biệt là những người thân yêu trong gia đình. Những câu chuyện trong cuốn sách còn thấm đẫm tình yêu quê hương đất nước, lòng tri ân cộng đồng, và giúp lan tỏa cổ vũ tinh thần vượt khó, cũng như sự lạc quan tin tưởng vào lòng thiện của những người Việt tử tế, để giúp người người yêu đời yêu cộng đồng và vững tâm góp ích cho xã hội.

   Ngoài ra, người đọc có thể bắt gặp lại trong sách này cái không khí của một thời bao cấp ở nông thôn miền Bắc những năm 60-70 của thế kỷ trước, nơi tác giả hoài niệm. Những cảnh vật, sinh hoạt đời thường, lối đối nhân xử thế… có thể đã xưa cũ nhưng gần gũi ấm áp tình người, trong bối cảnh đời sống còn rất nhiều khó khăn. Trên nền bức tranh thực tế đó, hình ảnh cậu bé Ký bền bỉ và lặng lẽ vật lộn với bệnh bại liệt, bằng nỗ lực gấp trăm ngàn lần người bình thường, để khẳng định bản thân giúp ích cho đời, thực sự đã trở thành một trong những biểu tượng của ý chí, nội lực phi thường ẩn giấu trong mỗi con người.

Tuyết Ngân

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây