Những người thầy ‘gùi chữ’ vượt sông

0
1080

   Dòng sông Rinh đoạn qua xã Sơn Bao (huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) chẳng mấy khi hiền hòa, nhưng bên kia sông vẫn có lũ học trò nhỏ cần con chữ vào đời. Và thế là những người thầy gánh vác trọng trách ‘gùi chữ’ vượt sông.

Những người thầy gùi chữ vượt sông - Ảnh 1.

Buổi tập thể dục ngộ nghĩnh giữa thầy và trò ở điểm trường Nước Rinh – Ảnh: T.M.

   Thầm lặng mà nghĩa tình, họ vẽ bức tranh tình thầy trò, tình đồng nghiệp giữa đại ngàn thắm đượm yêu thương và trách nhiệm. Chuyện của họ là chuyện của rất nhiều giáo viên trên khắp Tổ quốc này xung phong đến vùng khó khăn nhất dạy chữ.

   “Bao khó khăn vậy mà các thầy vẫn bám trường, yêu trẻ. Chúng tôi may mắn có được những đồng nghiệp như vậy.”

Thầy NGUYỄN HỮU LIỆU (phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Hà)

   Thầy giáo phải biết bơi

   Tháng 9, tiếng trống tựu trường đồng loạt diễn ra trên khắp cả nước, bao học trò nô nức đến trường. Ở điểm trường thôn 2 Nước Rinh cũng vậy, ba thầy giáo lục tục gói ghém quần áo lội sông đến trường. Nơi đó, bọn trẻ đồng bào H’rê đang chờ họ. 

   Thầy Đinh Văn Lên đã 14 năm cắm chốt tại điểm trường này hiểu rõ nhất những khó khăn ở Nước Rinh. Trong hành trang của thầy Lên mùa tựu trường có thêm cả bao gạo và lương khô. 

   “Mùa này nhìn thì nắng vậy nhưng chỉ cần một trận mưa là điểm trường bị sông cô lập ngay, phải ở lại cả tuần, nếu mưa dài phải ở lại điểm trường cả tháng, nên tựu trường phải mang theo gạo ứng phó”.

   Vùng núi cô lập, điểm trường khó khăn luôn hiện hữu trong câu chuyện kể của thầy Lên. Từ ngày trở thành giáo viên, những điểm khó nhất ở huyện Sơn Hà thầy Lên đều đến dạy chữ. 

   Ngót nghét 23 mùa tựu trường trôi qua, thầy Lên cũng đã 23 năm cắm bản. Kể về khó khăn thầy Lên bảo mỗi nơi mỗi khác, chuyển điểm trường chỉ là “kết thúc khó khăn ở vùng này để bắt đầu hành trình khó khăn ở một nơi khác, ở một thời điểm khác, với các em học sinh khác mà thôi” – thầy Lên nói.

   Với riêng điểm trường thôn 2 Nước Rinh, chỉ cách điểm chính Trường tiểu học Sơn Bao theo đường chim bay khoảng 500m, nhưng bên này và bên kia là cả một sự cách trở. Dòng sông Rinh chính là bức tường ngăn cách bao đời. 

   Bao nhiêu bè, bao nhiêu ghe người làng đóng vì thương giáo viên lội sông đi dạy đã bị dòng nước cuốn trôi chỉ sau một trận mưa rừng. Sự khắc nghiệt của con nước có thể thấy rõ trong chuyến đi của chúng tôi. Buổi sáng, nước lững lờ trôi, nhưng trưa đến dòng thượng nguồn đục ngầu ầm ầm đổ về, bờ bãi mênh mông nước, rồi lại hiền hòa trở lại khi chiều xuống. 

   “Bao nhiêu năm tôi ở đây, nước sông vẫn thất thường vậy. Chúng tôi lội qua sông cũng phải canh trời, thấy trời mù ở đằng tây là ở lại trường luôn” – thầy Lên tâm sự.

   Tiếng ê a đọc bài của bọn trẻ cắt ngang câu chuyện cách trở bởi sông nước trên non cao. Ba lớp học ghép chung, vẳng tiếng tập đọc nối sau lời thầy. Thứ âm thanh trong trẻo từ những đứa trẻ H’rê đen nhẻm đủ để những người thầy cắm bản khuất phục khó khăn tiếp tục sự nghiệp trồng người.

   Bọn trẻ ở đây cũng đã quen với sự hiện diện của các thầy. Hơn chục năm kể từ ngày có cô giáo đến điểm trường này cắm bản dạy chữ nửa năm, đến giờ chẳng có cô giáo nào qua Nước Rinh dạy chữ nữa. Nguyên nhân cũng chính vì mức độ nguy hiểm đến từ sông Rinh. 

   Chục năm trước, khi thấy nữ đồng nghiệp hút chết dưới dòng sông, các thầy giáo nhận trọng trách qua điểm trường này dạy học và trước khi dạy chữ, các thầy đều phải thuần thục bơi lội, có kỹ năng giúp nhau nếu chẳng may qua sông đúng lúc nước nguồn về.

   Có lẽ chỉ ở nơi này mới có một tiêu chí kỳ lạ để chọn giáo viên là “thầy giáo cắm bản phải biết bơi”. Chính dòng sông gầm gừ như thủy quái đòi hỏi giáo viên vượt sông sang quả đồi hình bát úp dạy chữ cho bọn trẻ phải tự trang bị “môn bơi lội”. 

   Già Đinh K’rắc – người nhiều năm kéo bè trên dòng sông Rinh – tâm sự: “Sông qua đoạn này gấp, nước chảy xiết, phía dưới nhiều đá tảng, chẳng may rớt xuống đúng lúc nước chảy mạnh là toi mạng như chơi. Mùa này tôi thường coi nước để cảnh báo các thầy giáo”. 

   Người H’rê thật thà, thương các thầy giáo cũng chỉ biết đi rẫy đi rừng thấy mưa là về báo các thầy cảnh giác. Mùa mưa đến, các thầy có muốn về nhà khi gia đình chẳng may xảy ra chuyện thì chỉ còn cách duy nhất là lội rừng đi vòng lên tận xã Sơn Thượng để qua cầu.

 
Những người thầy gùi chữ vượt sông - Ảnh 3.

Phút nghỉ ngơi buổi trưa của các thầy giáo “biết bơi” cắm bản ở Nước Rinh – Ảnh: T.M.

   Khó khăn đâu chỉ ở sông

   Ở điểm trường thôn 2 Nước Rinh thiếu thốn nhiều thứ, đến nước uống cũng phải vào tận thôn xách từng xô về vì trường chưa có nước giếng. Nơi ngả lưng qua đêm của các thầy là căn chòi do phụ huynh dựng lên. Cứ thế, thời gian trôi đi qua bao mùa tựu trường, những người thầy bên kia sông vẫn ở đó với lũ trò nhỏ. 

   Các thầy cũng hiểu khó khăn đâu chỉ đến bởi sông Rinh. Sự vất vả còn đến bởi khó nghèo của người đồng bào thiểu số nơi này. Không có chiếc cầu nối đôi bờ, khó nghèo vì thế mà trải dài qua từng nóc nhà núp mình dưới rẫy rừng và cây lớn.

   Bọn trẻ dù ở cùng cha mẹ nhưng cái ăn còn thiếu thốn đủ bề. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Anh có 6 năm cắm điểm Nước Rinh hiểu rõ nỗi vất vả mùa giáp hạt. Khó có chuyện giáo viên không về được nhà vào làng xin người dân lon gạo, chén mắm, ngược lại các thầy giáo phải tiếp tế. 

   Buộc lại mái tóc cho cô học trò nhỏ, thầy Ngọc Anh cười xòa khi chúng tôi bảo các thầy quá yêu nghề. Với thầy Ngọc Anh, yêu nghề vẫn chưa đủ, còn phải có đức tính hi sinh và sẻ chia. 

   “Ở đâu cũng là dạy học, nếu chỉ yêu nghề thì ở đây vài năm rồi xin chuyển về điểm trường chính cho khỏe thân. Chúng tôi ở đây vì thấy cuộc sống của mình dù sao cũng đủ đầy hơn bà con, ở vì thương cả gia đình bọn trẻ nữa. 

   Mùa mưa đến, chúng tôi có chút lương khô nào cũng chia đều cho cha mẹ các em. Ít quá thì nấu cho bọn trẻ ăn bữa nào hay bữa đó. Dù sao cũng ngon miệng hơn ở nhà”. 

   Và có những ngày nước sông thành cơn lũ, một số phụ huynh ở vài điểm làng không thể vượt sông đón con được, các thầy kiêm luôn nhiệm vụ giữ trẻ, nấu ăn, ru ngủ chờ nước rút để “trao trả” các em về cho cha mẹ vào buổi học hôm sau.

   Nghe tâm sự của các thầy giáo, sự tử tế cứ nối nhau bất tận. Đến những nơi như thế này, chúng ta sẽ thấy nghề giáo đâu chỉ dừng lại ở dạy chữ, dạy người. Đó là sự hi sinh thầm lặng nhưng lớn lao. 

   Cũng chính cái tâm trong sáng và tinh thần nhiệt huyết không nguôi của những người thầy mà bọn trẻ yêu chữ, yêu lớp, tới mùa tựu trường là ra đông đủ, không để các thầy lội vào làng vận động.

   Mùa tựu trường này, điểm trường thôn 2 Nước Rinh có 38 học sinh, quần áo, dép em nào cũng tươm tất, tóc tai gọn gàng. Đó là “thành tựu” năm học mới của các thầy. 

   Thầy Đỗ Tấn Kỳ chia sẻ câu chuyện ấm áp tình thầy trò, khi các giáo viên ở trường hiểu nỗi khó khăn ở điểm trường này đã chung tay, người mua đôi dép, người xin bộ quần áo để các thầy tặng trò đầu năm học mới. 

   Còn riêng các thầy có thêm một bộ đồ nghề cắt tóc để tỉa tót lại mái tóc xù xì cho trò nam, vài túi dây thun buộc lại lọn tóc cho trò nữ. “Chúng tôi ai cũng biết cắt tóc. Mới đầu còn khó, cắt mãi thành quen” – thầy Kỳ tâm sự.

   Đủ khiến thầy rạng rỡ

   Không chỉ dạy con chữ, những thầy giáo nơi đây còn đỡ đầu cho những học sinh có hoàn cảnh khốn cùng. Em Đinh Văn Bi, nhà ở tận Mò O có hoàn cảnh bi thương. Cha mất, gia đình quá nghèo, mẹ Bi không có khả năng nuôi con phải gửi Bi cho người bác cũng nghèo khó. Biết được hoàn cảnh, các thầy nhận luôn nhiệm vụ chăm sóc Bi từ dụng cụ học tập đến quần áo, bữa ăn.

   Bi ngây ngô nhưng đã thấu cảm được tình yêu thương của các thầy, cậu bé chia sẻ: “Con được đi học, được các thầy lo đủ thứ, con vui lắm”. Chừng ấy lời nói cũng đủ khiến các thầy rạng rỡ niềm vui…

TRẦN MAI
Nguồn: https://tuoitre.vn

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây