NHẤT THỐNG SƠN HÀ

0
798

   Cuốn sách Nhất Thống Sơn Hà của tác giả Vũ Thanh đã lý giải những nguyên nhân, quá trình mở cõi của dân tộc và những thành quả to lớn trong thời gian giữ nước và dựng nước của nhà Tây Sơn. Một lần nữa tác giả cho độc giả thấy được quá trình Nam tiến của dân tộc ta diễn ra trong giai đoạn này hoàn toàn bằng con đường văn hóa và sự dung hợp đầy tình người. Tác giả đã nêu rõ tính ưu việt của nền Minh triết Việt có tự ngàn xưa, và với cá tính đặc thù của văn hóa Việt, người Việt đã sống Thuận rồi Hóa để rồi dung hợp với các dân tộc phương Nam.

   Qua Nhất Thống Sơn Hà, tác giả còn ghi lại mối tình giữa Ngọc Hân Công Chúa và Nguyễn Huệ không đơn thuần chỉ là việc cưới gả chính trị giữa kẻ thắng và người thua mà là mối nhân duyên của đôi trai tài gái sắc, sự tương thông tri kỷ giữa hào kiệt và giai nhân. Đặc biệt, qua tài liệu từ bộ Cao Tông Thực Lục đời nhà Thanh (Trung Quốc) cho ta thấy câu chuyện về vua Càn Long, dù rất uất hận do thất bại nhục nhã trong việc xua quân xâm lăng Đại Việt, đã phải đổi thù thành bạn và dành cho vua Quang Trung tình cảm như cha con, tổ chức tiếp đón vô cùng long trọng, một phần là nhờ vị Hoàng đế Đại Việt khéo dùng tài ngoại giao, nhưng phần lớn cũng bởi cái anh khí lẫm liệt của vị tướng bách thắng Long Nhương ở nước nhỏ phương Nam đã uy phục con người và nước lớn phương Bắc. 

   Nhất Thống Sơn Hà do Nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành năm 2017, sách dày 308 trang đã nêu hình tượng và nhân cách của Nguyễn Huệ một cách hết sức khéo léo và thành công. Từ một thanh niên nông dân có cá tính giản dị, ham học hỏi, sống tận tụy, yêu thương, hòa đồng, dễ gần gũi đã giúp ông từ một tướng lãnh của “đám giăc cỏ” đã trở thành một nhà lãnh đạo đại tài trong giai đoạn đất nước nhiễu nhương, một tinh thần bất khuất, tự cường, không hề khiếp sợ trước bất kỳ thế lực thù địch nào, dù kẻ thù đó có mạnh đến đâu. Đặc biệt hơn hết là tinh thần bài trừ Hán học, cái học “hủ nho” đã đẩy dân tộc ta vào vòng lệ thuộc người Hán gần hai ngàn năm. Ông đã mạnh dạn dùng chữ Nôm để làm quốc ngữ thay chữ Hán. Khi phát hiện ra sự xuất hiện của chữ La tinh, ông đã nhìn thấy ngay lợi ích to lớn của nó trong việc tạo cho dân Việt một chữ viết riêng, tách khỏi hẳn ảnh hưởng của người Hán, con người sáng suốt này đã nhiệt liệt hưởng ứng và khuyến khích việc phát triển loại chữ viết mới này. Tên gọi dòng sông La Tinh ở huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định, là một minh chứng nơi phát tích chữ viết Quốc ngữ La tinh của chúng ta ngày nay. Nó còn là dấu ấn thực tiễn ghi nhận tầm nhìn sáng suốt, sâu rộng của vị vua Quang Trung vĩ đại của chúng ta đã để lại một di sản to lớn cho dân tộc.

   Trong Nhất Thống Sơn Hà tác giả nhắc lại một thời đại vàng son trong hơn 4.000 năm dựng nước và giữ nước của dân Việt. Và mang một thông điệp rất rõ ràng: “Trách nhiệm giữ nước là của toàn dân, nhưng trách nhiệm đoàn kết được toàn dân là của giới lãnh đạo. Khi người dân một nước đồng thuận một lòng thì lo gì việc giữ yên cõi bờ và phát triển đất nước”.

   Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi trân trọng giới thiệu cuốn sách đến quý độc giả.

Vân Trà

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây