NGHỊ ĐỊNH SỐ 93/2020/NĐ-CP NGÀY 18/8/2020 CỦA CHÍNH PHỦ QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THƯ VIỆN

0
835

   Ngày 21/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật Thư viện (số 46/2019/QH14) và có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2020. Luật Thư viện có nhiều nội dung mới, đánh dấu một bước tiến mới tạo khung pháp lý cho ngành thư viện và văn hóa đọc phát triển đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới. Để bảo đảm tính thống nhất trong quá trình triển khai thi hành, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 93/2020/NĐ-CP ngày 18/8/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật Thư viện (Nghị định 93), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 05/10/2020.

   Nghị định 93 gồm có 3 chương, 33 điều quy định chi tiết về thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư; về tài liệu cổ, quý hiếm, các bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học được Nhà nước đầu tư; về không gian đọc, phòng đọc cơ sở; về điều kiện thành lập thư viện; về trình tự, thủ tục đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện; về liên thông thư viện. Một số quy định cơ bản sau:

   Thứ nhất, thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư

   – Tiêu chí xác định thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư (Điều 3): (1) Có đủ điều kiện, khả năng thực hiện nhiệm vụ hợp tác trong thu thập, bổ sung và sử dụng tài nguyên thông tin (Điều 25); chia sẻ kết quả xử lý chuyên môn, nghiệp vụ, biên mục và sản phẩm thông tin thư viện (Điều 26); liên kết triển khai dịch vụ liên thư viện (Điều 27); xây dựng mục lục liên hợp (Điều 28) và chủ trì xây dựng, chia sẻ, khai thác tài nguyên thông tin dùng chung giữa các thư viện quy định (khoản 1 Điều 29); triển khai kết nối, hợp tác với các thư viện cùng nhóm, chuyên ngành, lĩnh vực trong phạm vi quốc gia, lĩnh vực, ngành hoặc vùng, miền, địa phương. (2) Cơ sở vật chất, tiện ích, kỹ thuật hiện đại, đáp ứng nhu cầu phục vụ người sử dụng thư viện và khả năng mở rộng liên thông, liên kết thư viện trong lĩnh vực, ngành hoặc vùng, miền, địa phương: Có ít nhất 500.000 đơn vị bảo quản, trong đó có ít nhất 200.000 bản sách và ít nhất 5.000 đầu tài liệu số; tài nguyên thông tin được lưu trữ, bảo quản và quản lý bằng hạ tầng, thiết bị kỹ thuật và công nghệ hiện đại; không gian đọc thân thiện, bảo đảm khả năng tiếp cận thư viện cho mọi đối tượng người sử dụng; có ít nhất 50 máy vi tính; đã thực hiện liên thông thư viện. (3) Người làm công tác thư viện phải bảo đảm các yêu cầu: có trình độ nghiệp vụ thông tin – thư viện đáp ứng tiêu chuẩn về vị trí việc làm theo quy định; có ít nhất 70% số người làm công tác thư viện tốt nghiệp từ đại học trở lên chuyên ngành thông tin – thư viện hoặc có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp chuyên ngành; có khả năng ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ. (4) Hiệu quả hoạt động thư viện bình quân hằng năm: Đạt ít nhất 6.000 người đăng ký sử dụng, đạt ít nhất 1.000.000 lượt người đến thư viện và truy cập trang thông tin điện tử của thư viện; đạt ít nhất 2.000.000 lượt tài nguyên thông tin, đạt ít nhất 1.000.000 lượt tài nguyên thông tin phục vụ trên không gian mạng; đạt ít nhất 80% các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ, dịch vụ thư viện đã được ứng dụng khoa học và công nghệ, có ít nhất 30% dịch vụ thư viện được cung cấp trực tuyến; tổ chức ít nhất 04 hội nghị, hội thảo, triển lãm chuyên đề…, đạt ít nhất 56 giờ/tuần thư viện mở cửa phục vụ hoặc 24 giờ hằng ngày đối với thư viện phục vụ trên không gian mạng.

   – Thẩm quyền xác định thư viện công lập có vai trò quan trọng được Nhà nước ưu tiên đầu tư (Điều 4): Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội xác định đối với thư viện đại học, thư viện thuộc các cơ sở giáo dục khác và người đứng đầu ban, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

   Thứ hai, tài liệu cổ, quý hiếm, bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt. Theo đó, quy định tiêu chí xác định tài liệu cổ (Điều 5), tài liệu quý hiếm (Điều 6), bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học (Điều 7) và công tác sưu tầm, bảo quản và phát huy giá trị tài liệu cổ, quý hiếm và bộ sưu tập tài liệu có giá trị đặc biệt về lịch sử, văn hóa, khoa học của thư viện công lập (Điều 8).

   Thứ ba, không gian đọc, phòng đọc cơ sở. Theo đó, quy định tiêu chí xác định không gian đọc, phòng đọc cơ sở (Điều 9) và hoạt động của không gian đọc, phòng đọc cơ sở (Điều 10).

   Thứ tư, điều kiện thành lập thư viện công cộng cấp tỉnh (Điều 11); thư viện công cộng cấp huyện (Điều 12); thư viện công cộng cấp xã (Điều 13); thư viện chuyên ngành (Điều 14); thư viện lực lượng vũ trang nhân dân (Điều 15); thư viện đại học (Điều 16); thư viện cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông (Điều 17); thư viện cơ sở giáo dục nghề nghiệp và cơ sở giáo dục khác (Điều 18); thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng (Điều 19); thư viện cộng đồng (Điều 20); thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam (Điều 21). Theo đó, quy định chi tiết điều kiện về mục tiêu tổ chức, hoạt động thư viện, về số lượng tài nguyên thông tin, về cơ sở vật chất và tiện tích thư viện, về người làm công tác thư viện. Đối với thư viện lực lượng vũ trang nhân dân được thành lập theo quy định của Luật Thư viện và quy định riêng của Chính phủ.

   Thứ năm, trình tự, thủ tục và thẩm quyền đình chỉ, chấm dứt hoạt động thư viện. Việc đình chỉ hoạt động của thư viện khi vi phạm quy định lợi dụng hoạt động thư viện để xuyên tạc chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chống lại Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc; kích động bạo lực, gây thù hằn giữa các dân tộc, tôn giáo; tuyên truyền chiến tranh xâm lược; phá hoại thuần phong mỹ tục; truyền bá mê tín; lôi kéo người sử dụng thư viện vào tệ nạn xã hội và đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hoạt động thư viện mà không chấm dứt hành vi vi phạm (Điều 22). Việc chấm dứt hoạt động thư viện khi thư viện tự chấm dứt hoạt động hoặc khi vi phạm bị buộc chấm dứt hoạt động do hết thời hạn bị đình chỉ hoạt động quy định mà không khắc phục hành vi vi phạm (Điều 23).

   Thứ sáu, liên thông thư viện. Theo đó, quy định chi tiết về nguyên tắc liên thông (Điều 24); hợp tác trong thu thập, bổ sung và sử dụng tài nguyên thông tin (Điều 25); chia sẻ kết quả xử lý chuyên môn, nghiệp vụ, biên mục và sản phẩm thông tin thư viện (Điều 26); liên kết triển khai dịch vụ liên thư viện (Điều 27); xây dựng mục lục liên hợp (Điều 28); cơ chế liên thông thư viện (Điều 29) và phương thức liên thông thư viện (Điều 30).

   Chi tiết xem văn bản tại đây: http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&_page=1&mode=detail&document_id=200797

THƯ VIỆN TỔNG HỢP TỈNH QUẢNG NGÃI

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây