Năm 2018, du khách đến Quảng Ngãi tăng mạnh, nhiều nhất là ở Lý Sơn. Các chuyên gia khuyến cáo cần hướng du khách theo các tour công viên địa chất, nhằm tăng cường quảng bá các giá trị di sản văn hóa, lịch sử để thúc đẩy tăng trưởng du lịch bền vững.
Năm qua, thời tiết thuận lợi, du khách đến Quảng Ngãi tăng đột biến. Hơn 1 triệu lượt khách đến tham quan, tìm hiểu di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, trong đó Lý Sơn đón hơn 230 nghìn lượt khách. Các chuyên gia khuyến cáo, các ngành chức năng của tỉnh cần có kế hoạch thực hiện quy hoạch tổng thể về xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác các nguồn tài nguyên thiên nhiên để phục vụ du khách.
Trẻ em thích thú khi trải nghiệm tour du lịch đến với bãi biển Mỹ Khê.
Giám đốc Công ty CP Du lịch Lý Sơn Dicovery Đặng Văn Trọng cho rằng: Làm du lịch ở Lý Sơn khác biệt với các nơi khác. Bên cạnh du lịch khám phá các di sản địa chất, còn có du lịch trải nghiệm mô hình trồng tỏi, trồng hành, lặn ngắm rạn san hô, hệ sinh thái biển… Tuy nhiên, trong tương lai các mô hình này sẽ có nguy cơ bị phá vỡ, hoặc không còn mới đối với du khách. Bởi lẽ, cứ qua mỗi mùa trồng hành, trồng tỏi, người dân lại lấy cát từ ngoài biển để thay đất xuống giống. Lượng cát ven biển sẽ dần mất đi, phá hỏng hệ sinh thái biển, từ đó khó có thể phát triển các mô hình du lịch trải nghiệm.
“Nếu khai thác hết lượng cát ven bờ thì môi trường sinh sản của cua huỳnh đế, rạm… ở Lý Sơn cũng bị phá hỏng. Trong khi đó, du khách rất thích trải nghiệm, khám phá môi trường sinh sống của các loài động vật biển này”, ông Trọng giải thích.
Viện trưởng Viện Khoa học địa chất khoáng sản Việt Nam, PGS-TS Trần Tân Văn khuyến cáo: Thu hút khách đến vùng địa chất là cần thiết, nhưng với đặc thù là biển đảo, diện tích, tiềm năng phục vụ nhu cầu khách ăn ở, đi lại, vui chơi giải trí trên địa bàn Lý Sơn còn quá khiêm tốn. Nếu xây dựng cơ sở hạ tầng, thu hút lượng khách đến tham quan quá lớn thì sẽ ảnh hưởng đến nguồn nước, không gian, tàu bè đi lại… Ngành chức năng cần tính toán, thay vì thu hút lượng khách đến ngày càng đông thì cần nâng cao giá trị dịch vụ du lịch để phục vụ du khách; chú trọng quảng bá, tuyên truyền để du khách hiểu rõ hơn về giá trị hoạt động núi lửa ở Lý Sơn là độc đáo nhất ở Việt Nam.
Hiện nay, tỉnh đang nỗ lực hoàn thiện hồ sơ để Công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh được UNESCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Bên cạnh các tiêu chí giá trị di sản địa chất thì tiêu chí du lịch trên các vùng miền nằm trong vùng công viên địa chất Lý Sơn – Sa Huỳnh cũng khá quan trọng. Vì vậy, tỉnh cần có cơ chế, chính sách để hướng du khách đến các tuyến Sa Huỳnh (Đức Phổ), Trà Bồng để giảm lượng khách đến với Lý Sơn thì du lịch Quảng Ngãi mới phát triển hài hòa, an toàn.
Đối với doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với ngành chức năng, chính quyền địa phương trong việc quảng bá giá trị sản phẩm du lịch trên các vùng miền, nhằm phân đều lượng khách đến.
Hiện nay, các nhà khoa học địa chất đang giúp tỉnh xác định các tour phát triển du lịch địa chất. “Nếu lấy Lý Sơn làm hạt nhân của công viên địa chất thì tỉnh nên khuyến khích, hướng du khách đến với các tuyến phía đông Lý Sơn, phía nam Sa Huỳnh, Châu Me, An Khê, hay tour phía tây Trà Bồng, Tây Trà.
Trong các tour du lịch này cần xác định 15 điểm dừng chân để giới thiệu di sản địa chất, văn hóa, lịch sử tại địa phương. Nếu khai thác tốt các tour du lịch này thì lượng khách không tập trung ra Lý Sơn. Đến đây, du khách được tìm hiểu về văn hóa Sa Huỳnh, hay văn hóa của dân tộc ít người ở Tây Trà”, PGS-TS Trần Tân Văn nhận định.
Ngành văn hóa hiện đang tập trung điều tra giá trị di sản theo các tour nhằm chọn các điểm tiêu biểu để giới thiệu cho du khách dừng chân. Trên cơ sở đó, ngành sẽ xây dựng các tuyến tham quan, hệ thống bảng chỉ dẫn, tờ rơi, sách hướng dẫn, hay các sản phẩm du lịch, nhằm phân đều lượng khách trên toàn vùng công viên địa chất, có như thế mới đảm bảo tiêu chí phát triển du lịch trên các vùng miền và giảm tải lượng khách đến với Lý Sơn.
Bài, ảnh: MAI HẠ
Nguồn: http://www.baoquangngai.vn