HOÀNG TRIỀU SỬ KÝ

0
145

   Hoàng triều sử ký là bộ sử ngắn giản lược nhưng đã thâu tóm nội dung hơn 100 năm của vương triều Nguyễn và gần 400 năm lịch sử (từ 1533 – 1907) dòng họ Nguyễn kể từ đời Nguyễn Kim dựng cờ “Phù Lê diệt Mạc” trên đất Thanh Hóa và quá trình mở đất đến cực Nam của Tổ quốc. Cuốn sách do Dương Lâm diễn Nôm, vừa được ra mắt công chúng qua phần dịch của Nguyễn Đức Toàn, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP. Hồ Chí Mình ấn hành năm 2021.

   Cuốn sách “Hoàng triều sử ký” từng lưu giữ ở Thư viện quốc gia Việt Nam có ký hiệu R.2253, dày 51 tờ (102 trang) được viết bằng bút sắt mực xanh trên giấy thường, chấm câu mực đỏ, được nhà sưu tầm Thúc Ngọc Trần Văn Giáp chép lại; tờ 51a còn có nguyên dấu đỏ và chữ ký của cụ, hoàn thành vào tháng 4 năm 1972. Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Toàn đã dịch tác phẩm dựa trên bản chép tay này.

   Các nội dung cuốn sách viết thành từng đoạn theo phép sử lược, nhưng đã làm nổi bậc những nét chính của sử liệu, điểm xuyết những dấu ấn đáng nhớ. Thêm vào đó, có những đoạn bình, diễn thơ giúp người đọc dễ cảm nhận.

   Nói đến Triệu tổ Nguyễn Kim là nhớ đến công dựng lại nhà Lê Trung hưng của ngài khi lập vua Lê Trang Tông nối lại dòng dõi nhà Lê. Dương Lâm diễn thơ: “Hận Mạc thị cam lòng tiếm nước, lên Ai Lao tính ước phục thù/Tìm dòng nhà Lê dựng lấy làm vua, đánh Mạc kể hơn trăm trận/Từ đó tiếng quân lan khắp, ngọn cờ đào đã chỉ đến Tây Đô” hay “Hoành Sơn nhất đái vạn đại dung thân”, hoành sơn một dãi có thể dung thân muôn đời, để từ đó “Đất Thuận Hóa dõi tám truyền bởi đó/Giặc Bắc đánh tan quân Mạc/Bảo thần đà lan khắp bốn phương/Cõi Nam mở rộng đất Chiêm/Nghiệp thánh lại xây dựng muôn thủa”.

   Công lao tạo lập, mở đất phương Nam của các chúa Nguyễn theo dòng thời gian nào di dân lập ấp, lập đồn điền thu thuế, nào dẹp yên xung đột biên thùy, cứ thế được Hoàng triều sử ký điểm qua những sự kiện cụ thể ghi dấu trong lịch sử như dẹp loạn Chiêm Thành thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, mở mang, lập sổ bộ ở đất Gia Định, Biên Hòa thời Quốc chúa Nguyễn Phúc Chu.

   Bước qua thời các vua Nguyễn khởi từ Gia Long cho đến Thành Thái (1907), mỗi triều vua lại có những công nghiệp riêng cùng nhân vật, sự việc nổi bật được ghi lại. Khi chép đến thời vua Tự Đức về sau, ngọn bút không chỉ là chép sử mà còn là ngọn bút của con dân nước Việt đau nỗi đau nước nhà bị “bạch quỷ” xâm lăng, tiếc nuối khi những duy tân, biến pháp tiến bộ của Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Đức Hậu… không được dùng.

  Hoàng triều sử ký là một cuốn sách được viết bởi người có xuất thân Nho học nên có những điểm cố hữu thuộc về thế giới quan như tư tưởng “trung quân ái quốc”, “thiên mệnh” vẫn còn chi phối. Chẳng hạn, giải thích cho việc nước nhà rơi vào cảnh lệ thuộc thời vua Tự Đức, đem thuyết “thiên mệnh” để giãi bày: “Xem đạo trời trong mười năm thì có một lần một tiểu biến, trăm năm thì có một lần trung biến, năm trăm năm thì có một lần đại biến, nên cái thịnh suy trị loạn từ đó mà ra”.

   Dương Lâm diễn nôm đã vượt cả những ý thức hệ, nhất là khi thời ông sống vẫn đang là thời nhà Nguyễn. Ông nhận định, đánh giá khách quan những sai lầm của “hoàng triều” để trông mong sự đổi thay. Trong đó có sự thủ cựu không chịu kết giao, học hỏi tiến bộ của phương Tây, cứ bo bo giữ nết Khổng Mạnh đã lạc hậu: “Nước Việt Nam tưởng phú cường bởi đó/Nào ai nghĩ vận đỏ hóa ra đen/Gió Thái Tây mà ngăn đón từ đây/Cũng là sợ loài vàng chung mấy trắng”. 

   Cuốn sách Hoàng Việt sử ký do Nguyễn Đức Toàn phiên dịch là bộ sử lược có giá trị để độc giả có thêm một cách nhìn mới về việc chép sử dưới triều Nguyễn. Phần cuối sách là thư mục sách tham khảo và bản phụ lục Hoàng Triều Sử Ký được lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam, ký hiệu R.2253./.

                                                                                      Minh Tuấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây