ĐỊNH CHẾ PHÁP LUẬT VÀ TỐ TỤNG TRIỀU NGUYỄN (1802-1885)

0
96

   Triều Nguyễn tồn tại trong giai đoạn từ (1802 – 1945). Bắt đầu từ khi Nguyễn Ánh đánh đổ nhà Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Gia Long (1802) đến khi vị vua cuối cùng của nhà Nguyễn là Bảo Đại thoái vị (1945) – triều đại phong kiến cuối cùng ở Việt Nam, với hơn một thế kỷ tồn tại (143 năm), trải qua 13 đời vua. Nhà Nguyễn sử dụng Nho giáo với tư cách là độc tôn duy nhất trong quản lý và xây dựng đất nước. Điều này đồng nghĩa với việc, triều Nguyễn cai trị đất nước chủ yếu dựa vào Đức trị và Nhân trị (quan điểm trị nước của Nho giáo). Tuy nhiên, để bảo vệ vương quyền và xây dựng một nhà nước phong kiến trung ương tập quyền chuyên chế cao độ, buộc nhà Nguyễn phải sử dụng đến yếu tố pháp trị. Đó là sự kết hợp giữa độc tôn Nho giáo và pháp trị, nhà Nguyễn đã xây dựng và thực thi pháp luật trên nền tảng của Nho giáo. Nho giáo đã cùng với pháp luật ổn định trật tự kỷ cương xã hội, đảm bảo cho sự phát triển của đất nước giai đoạn này. Việc nghiên cứu về chế định pháp luật ở Việt Nam dưới triều Nguyễn giúp chúng ta có một cái nhìn khái quát về nền pháp luật thực định của triều đại này thế kỷ XIX, cùng với những giá trị và đóng góp của nó đối với lịch sử dân tộc Việt Nam.

   Cuốn sách Định chế pháp luật và tố tụng triều Nguyễn (1802 – 1885) ngoài phần mở đầu khái lược tổng quan về triều Nguyễn và các hoạt động lập pháp thì chia ra thành các phần nội dung chính như sau:

   Phần I gồm chương 1 là những định chế về hình sự trong pháp luật triều Nguyễn như định chế về tội phạm, phạm nhân và trách nhiệm hình sự của phạm nhân; định chế chung về hình phạt, các loại hình phạt tùy theo mức độ sai phạm nặng nhẹ. Chương 2 là định chế về tội phạm hình sự cụ thể trong pháp luật triều Nguyễn, trong đó quy định tội phạm hình sự đặc biệt, tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm hình sự bình thường như trộm cướp, gây thương tích và giết người, tội phạm gian dâm, các tội lăng nhục, vu cáo cũng được nêu khá rõ.

   Phần II là những định chế dân sự trong pháp luật triều Nguyễn, gồm chương 1 định chế về tài sản dân sự; chương 2 định chế về thừa kế dân sự; chương 3 định chế về khế ước dân sự, chương 4 định chế về trách nhiệm dân sự trong pháp luật triều Nguyễn.

   Phần III, định chế về hôn nhân và gia đình trong pháp luật triều Nguyễn, gồm chương 1 định chế về kết hôn trong pháp luật; chương 2 định chế về ly hôn trong pháp luật; chương 3 định chế về tử hệ trong pháp luật.

Phần IV, định chế về tố tụng trong pháp luật triều Nguyễn; chương 1 cơ cấu và thẩm quyền của hệ thống pháp đình; chương 2 thẩm quyền, hoạt động và trách nhiệm của pháp quan. Cuối cùng là phần kết luận, thư mục tài liệu tham khảo và mục lục.

   Cuốn sách “Định chế pháp luật và tố tụng triều Nguyễn (1802 – 1885)” của Tiến sĩ Sử học Huỳnh Công Bá do Nhà xuất bản Thuận Hóa phát hành năm 2017, sách dày 608 trang, bìa cứng. Đây là cuốn sách rất có giá trị nghiên cứu về pháp luật và tố tụng của một thể chế quân chủ phong kiến nhà Nguyễn. Bên cạnh những điều luật hà khắc, áp chế đối với nhân dân, còn có rất nhiều những điều luật có giá trị, mang tính nhân văn trong việc thể hiện mối quan hệ giữa các giai cấp trong xã hội. Nó không chỉ có ý nghĩa với xã hội đương thời, mà còn có ý nghĩa là bài học kinh nghiệm vô cùng sâu sắc và quý giá cho hệ thống pháp luật đương đại./. 

                                                                                                Minh Tuấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây