Chuyển đổi số trong hoạt động thư viện: Những vấn đề đặt ra để phát triển văn hóa đọc

0
100

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy và các đại biểu tham quan thiết bị phục vụ số hóa tài liệu và phần mềm quản lý thư viện thông minh bên lề Hội thảo Bản quyền trong chuyển đổi số ngành Thư viện (tháng 7/2023) – Ảnh minh họa: Hồng Vân

   1. Đặt vấn đề
   Tiến bộ công nghệ trong TK XXI đã tạo ra cuộc cách mạng kỹ thuật số, ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh của cuộc sống con người, trong đó có văn hóa đọc (VHĐ). Chuyển đổi số (CĐS) đã thay đổi sâu sắc cách con người tiếp cận, tiêu thụ và tương tác với tri thức, thông tin nhất là trong lĩnh vực thư viện. Với vai trò định hướng, thúc đẩy và phát triển VHĐ, các thư viện cần nắm bắt xu thế, tận dụng tiềm năng của công nghệ, kỹ thuật số hướng tới người sử dụng thư viện. Việc đánh giá xu hướng VHĐ và làm thế nào để phát triển VHĐ là một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác thư viện giai đoạn hiện nay.

   2. Tác động của CĐS trong hoạt động thư viện tới VHĐ hiện nay
   Cho đến nay, CĐS đã không còn là một khái niệm mới và xa lạ với người làm thư viện. CĐS với định nghĩa là “cách sử dụng công nghệ để thực hiện quy trình sao cho hiệu quả hơn với chất lượng hơn” là một trong những khái niệm được đề cập khá phổ biến và dễ chấp nhận (1). Với cách hiểu mộc mạc đó, có thể nhận thấy rằng từ những năm 1950, công tác CĐS trong lĩnh vực thư viện trên thế giới nói chung đã bắt đầu được thực hiện (2). Tại Ấn Độ, ghi nhận việc tin học hóa hoạt động thư viện được chính thức bắt đầu với việc lắp đặt máy tính đầu tiên tại Học viện Thống kê India, Calcutta (1955) (3). Khổ mẫu MARC được nghiên cứu phát triển tại Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ vào những năm 1960… Tại Việt Nam, các thư viện đã tiến hành ứng dụng tin học hóa từ cuối những năm 1980 và bắt đầu xây dựng thư viện số vào những năm 2010. Có thể nói, đó cũng là một quá trình đáng kể để các thư viện có những bước chuẩn bị căn bản trong việc CĐS hoạt động thư viện.

   CĐS trong lĩnh vực thông tin thư viện được hiểu là “việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi phương thức thực hiện công việc. Những khâu công việc chính của hoạt động thư viện bao gồm: thu thập, xử lý, tổ chức và cung cấp thông tin tài liệu. Phương thức thực hiện các khâu công việc này được thực hiện dựa trên nền tảng công nghệ số theo hướng tự động hóa, chuẩn hóa, liên kết, hợp tác, chia sẻ” (4). CĐS đã được thực hiện trên nhiều quy trình xử lý nghiệp vụ giúp tăng cường hiệu quả, rút ngắn thời gian hoàn thành công việc, góp phần thay đổi phương thức giao tiếp, quản lý con người cũng như cơ sở vật chất của thư viện. CĐS không làm mất đi hoạt động thư viện truyền thống, ngược lại, quá trình này giúp duy trì, phát triển thư viện truyền thống và tạo ra các mô hình thư viện hiện đại. Quyết định số 206/QĐ-TTg ngày 11-2-2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình CĐS ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã tạo cơ sở đột phá cho lĩnh vực thư viện thuận lợi thực hiện triệt để hơn việc CĐS. Một số tác động của quá trình này tới hoạt động phát triển VHĐ trong hoạt động thư viện có thể kể đến như:

   Tác động tích cực

   CĐS thư viện đã làm thay đổi sâu sắc nội hàm hoạt động của thư viện và thay đổi thói quen đọc sách của người sử dụng. Ngay từ những năm đầu thập kỷ 70, 80 của TK XX, chúng ta đã bắt đầu làm quen với các khái niệm, loại hình thư viện như Thư viện điện tửThư viện sốThư viện ảoThư viện không tườngThư viện không biên giớiTrung tâm thông tin… ngày nay những khái niệm về loại hình thư viện này đã không còn xa lạ và chúng ta còn tiếp tục làm quen với các khái niệm Thư viện hiện đạiThư viện thông minhThư viện laiThư viện của tương lai… Trong lĩnh vực học thuật, nhiều thư viện chuyển mình thành các Trung tâm tri thức sốTrung tâm học tập sốTrung tâm nghiên cứu số… Đó đều là những loại hình thư viện gắn liền với quá trình CĐS. Một trong những khái niệm cốt lõi của các loại hình thư viện này được đề cập tới là Thư viện số. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 10274:2013 đưa ra định nghĩa thư viện số là “tổ chức hay bộ phận của tổ chức trong đó các kho thư viện được lập, duy trì và sẵn sàng cho mượn nhờ các dịch vụ của một đội ngũ nhân viên. Thư viện số có các bộ sưu tập được lưu giữ dưới dạng số và người dùng có thể truy cập thông qua máy tính hoặc mạng máy tính”. Bộ sưu tập tài liệu số có thể bao gồm sách, báo điện tử, video, file âm thanh… được tổ chức theo các nguyên tắc tiêu chuẩn chung để cung cấp tới người sử dụng. TS Nguyễn Hoàng Sơn nhận định: “Thư viện số là không gian lý tưởng để giao lưu tri thức số, kiến tạo một nền văn hóa đọc chưa từng có trong lịch sử thế giới và khơi nguồn sáng tạo cho những phát minh quyết định trong tiến trình phát triển trí tuệ nhân loại” (5). Sự ra đời của TVS nói chung đã góp phần làm thay đổi quan điểm, khái niệm, diện mạo, các phương thức phục vụ của thư viện. Ở đó, không gian thực tế và không gian ảo được kết hợp sử dụng triệt để nhằm xóa đi khoảng cách về không gian, vị trí địa lý và thậm chí cả thời gian nhằm mục tiêu cao nhất là nâng cao dân trí, phát triển VHĐ, chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần cho mọi người dân. Nhiều thư viện đã xác định các mục tiêu CĐS chiến lược cho công tác phục vụ bạn đọc nhằm tăng cường các loại hình dịch vụ, chất lượng và phát triển VHĐ.

   Các bộ sưu tập số đã thay đổi cách thức tiếp cận và việc đọc của người sử dụng. CĐS thư viện buộc các thư viện phải tăng cường các nguồn tin và khả năng truy cập thông tin. Truy cập thông tin được kỳ vọng sẽ không chỉ dừng lại ở các nguồn tin dạng dữ liệu thư mục, mà còn được dẫn đến các nguồn tin toàn văn. Việc các thư viện liên kết các cơ sở dữ liệu toàn văn, thư viện số và các nền tảng khác, đem đến những trải nghiệm đọc đa dạng hơn cho người sử dụng. Theo đó, tài liệu điện tử và các nền tảng đọc trực tuyến (các phần mềm, ứng dụng, thư viện sách số) đã tăng cường tính tiện lợi và linh hoạt cho người sử dụng. Thông qua các thiết bị di động như máy tính bảng và điện thoại thông minh, việc đọc sách và minh họa nội dung trực tuyến trở nên dễ dàng. Các tác phẩm, tài liệu trực tuyến có thể kết hợp hình ảnh, video, âm thanh và các tương tác giúp việc đọc thú vị và hấp dẫn hơn. Ví như Thư viện số Let’s Read đã cung cấp nguồn truyện tranh thiếu nhi đặc sắc và hấp dẫn. Nghe sách ngày càng trở nên phổ biến khi hình thức này có thể phù hợp với nhiều đối tượng và tận dụng những khoảng không gian và thời gian linh hoạt (khi lái xe ô tô, khi đang làm việc nhà, khi chạy bộ…).

   Đọc trên môi trường số cũng đem đến nhiều trải nghiệm tương tác, trao đổi, giao lưu có lợi cho người sử dụng như có thể duyệt trước nội dung của một cuốn sách thông qua những đoạn trao đổi, nhận xét đối với tác phẩm. Đọc trên các ứng dụng, có thể tạo ra những cộng đồng có sự gắn kết do có chung những sở thích đọc sách mà ở đó họ có sự trao đổi thường xuyên thông qua các diễn đàn, họp mặt trực tiếp hay trực tuyến… Ngoài ra, những công nghệ thực tế ảo, hay AI, thế giới Metaverse với hệ thống điều phối còn có thể giúp người sử dụng thư viện số sống trong những không gian đọc sách ảo sống động.

   CĐS đã giúp tăng cường các loại hình dịch vụ thư viện trực tuyến mới: mượn sách trực tuyến, mượn sách điện tử, tham gia hội thảo trực tuyến, các khóa học trực tuyến, nhận thông tin giới thiệu sách hay xuất bản tài liệu… Ngoài ra, các hoạt động tương tác cộng đồng được các thư viện duy trì thông qua các nền tảng xã hội như Fanpage, diễn đàn trực tuyến. Những hoạt động này giúp tạo dựng các cộng đồng đọc đa dạng.

   Tác động tiêu cực

   Việc đọc bằng các thiết bị điện tử trên thực tế vẫn làm giảm khả năng đọc hiểu cho người đọc với các hạn chế điển hình như: khó tập trung, khó đọc chậm, khó đọc nghiền ngẫm, gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp thu và nhận thức. Việc đọc trên máy dễ gây mệt mỏi và ảnh hưởng thị giác hơn so với đọc giấy, tuy nhiên với một số đối tượng như người già, thì việc tùy chỉnh chữ to, chữ nhỏ trên máy lại đem lại nhiều hiệu quả tốt. Với nhiều người sử dụng thư viện, khi tiếp cận được với tài liệu điện tử họ vẫn cần yêu cầu phải in ra để việc đọc được dễ dàng hơn.

   Sự gia tăng không ngừng của các nguồn tin số gây ra vấn đề nhiễu thông tin. Khi tìm kiếm thông tin, có quá nhiều nguồn tin, lên đến hàng trăm thậm chí cả nghìn kết quả trả về thì NDT trở nên mất phương hướng, khó chọn lọc thông tin, gây mất thời gian và giảm sự chú ý. Nhiều thông tin không đáng tin cậy có thể gây ra những sai lệch về nhận thức cho NDT.

   Các vấn đề pháp lý liên quan đến bản quyền, bảo vệ NDT trong quá trình thu thập, phục vụ, khai thác tài liệu số. Mặc dù đã có những quy định pháp luật về khai thác sử dụng tài liệu thư viện, nhưng vẫn có rất nhiều vi phạm bản quyền xảy ra một cách vô tình hoặc hữu ý của các thư viện khi số hóa tài liệu. Đối với NDT, việc sao chép tài liệu số, thiếu các thông tin trích dẫn tài liệu hay đạo văn cũng là những vấn đề thường xuyên gặp phải trong quá trình khai thác tài liệu số. Một số hạn chế, và nguy cơ tiềm ẩn khác có thể kể ra như việc lộ thông tin cá nhân, mất quyền riêng tư. Trong quá trình đọc trực tuyến, nhiều trang web, phần mềm luôn đòi hỏi quyền truy cập vì vậy NDT thường xuyên phải khai báo, tạo lập các tài khoản cá nhân. Do vậy, nhiều nguồn dữ liệu cá nhân có thể không đảm bảo được các vấn đề về an ninh thông tin.

   Sự hình thành khoảng cách trong việc tiếp cận nguồn tin, thực tế, không phải ai cũng có khả năng tiếp cận, sử dụng các thiết bị công nghệ. Những đòi hỏi về công nghệ như trang thiết bị, sử dụng thông thạo các thiết bị điện tử, truy cập internet, kinh phí cho việc duy trì tài khoản… tạo ra những khoảng cách trong việc đọc tài liệu điện tử. Khoảng cách này cũng sẽ ngày một xa nếu như sự phát triển công nghệ ngày một gia tăng, nhưng mức phát triển của xã hội chậm hơn. Điều đó dẫn tới việc hình thành các nhóm NDT thông minh nhạy bén, tiếp cận tốt nhất với các nguồn thông tin, có được các trải nghiệm đọc tốt nhất, đối lập với họ là các nhóm người “mù thông tin”.

   Ngoài ra, còn có sự hình thành các thói quen xấu trong thế giới ảo. Các hoạt động tương tác, giao tiếp xã hội được thực hiện thông qua các tài khoản có thể thay thế một phần những tương tác trực tiếp, hình thành một thế hệ những NDT ẩn danh, có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Theo đó, VHĐ trong môi trường thư viện đang CĐS sẽ cần tiếp tục có nhiều nghiên cứu và điều chỉnh.

   Có thể khẳng định rằng, CĐS thư viện có những tác động lớn tới VHĐ, làm thay đổi các hành vi đọc bằng cách mở ra nhiều cơ hội để tiếp cận các nguồn thông tin, tạo ra những trải nghiệm đọc đa dạng và các hình thức tương tác mới cho NDT. Tuy nhiên, cũng có nhiều tác động tiêu cực và những thách thức mới đặt ra cần được các thư viện xem xét cẩn thận để đảm bảo việc CĐS không làm mất đi giá trị của VHĐ.

   3. Cơ hội và thách thức để phát triển VHĐ trong quá trình CĐS hoạt động thư viện

   Tác động của công nghệ và các loại hình tài liệu số đã làm thay đổi phương thức tiếp cận tri thức, thông tin hay nói rộng hơn là thay đổi phương thức, thói quen đọc và ở mức độ cao hơn nữa đó chính là VHĐ. Có nhiều khái niệm về VHĐ đã được đề cập, ví như “văn hóa đọc là một dạng hoạt động văn hóa của con người thông qua việc đọc để tiếp nhận thông tin và tri thức. Do là sự tích hợp các yếu tố như nhu cầu đọc, thói quen đọc được biểu hiện qua hành vi, tập quán đọc của cá nhân và cộng đồng” (6) hay “văn hóa đọc là văn hóa hành vi của mỗi cá nhân, biểu hiện ở khả năng lựa chọn sách, kỹ năng đọc và lĩnh hội tri thức, cũng như thái độ ứng xử với sách, báo, thể hiện rõ đặc điểm tâm lý và nhân cách của mỗi cá nhân” (7). Dù ở khái niệm nào các yếu tố nổi bật của VHĐ có thể nhận thấy là sự duy trì, thúc đẩy mạnh mẽ việc đọc và nâng cao chất lượng, phương thức đọc thông qua những nguồn tin có giá trị và các hành vi đọc mang tính chân – thiện – mỹ.

   Việc đọc sách hiện nay có nhiều thay đổi với những thói quen thích đọc sách ngắn, đọc tóm tắt, đọc lướt. Nhiều số liệu thực tế đã cho thấy xu hướng sử dụng sách in giảm đi và nhu cầu sử dụng sách điện tử, tài liệu số ngày càng tăng nhanh. Số lượng xuất bản phẩm điện tử tăng nhanh hơn so với xuất bản phẩm dạng sách in. Ví như, tính đến hết ngày 31-12-2022, xuất bản phẩm dạng sách in đạt 32.645 cuốn tăng 11,5%; Trong khi đó, xuất bản phẩm dạng điện tử là 3.350 xuất bản phẩm tăng 45,6%. Xuất bản phẩm khác (đĩa DVD, tranh ảnh, bản đồ, lịch các loại…) đạt 2.034 xuất bản phẩm (tăng 48%) (8). Số lượng xuất bản phẩm 6 tháng đầu năm 2023 tuy có giảm (so với hai quý đầu 2022) song, tỷ lệ giảm sâu được thể hiện đối với tài liệu dạng sách in. Cụ thể, xuất bản phẩm dạng sách in là 13.380 cuốn với hơn 163 triệu bản, giảm 30,5% về cuốn. Xuất bản phẩm dạng điện tử đạt 1.111 bản, giảm 2,8%. Xuất bản phẩm khác dạng đĩa CD, DVD, bản đồ, bưu ảnh, lịch các loại đạt 477 xuất bản phẩm với hơn 12 triệu bản (giảm 24,9% về số đầu và tăng 115% về bản) (9). Nhận định những cơ hội và thách thức trong bối cảnh này giúp các thư viện định hướng và đưa ra những hành động hiệu quả hơn.

   Cơ hội

   CĐS thư viện đã mở ra cơ hội tiếp cận tri thức và phát triển VHĐ trong môi trường số. Đó là xu thế tất yếu và vai trò của các thư viện là định hướng và xây dựng các tiêu chí cho các nội dung VHĐ trong môi trường này. Thông qua thư viện, NDT có thể dễ dàng tiếp cận tới các kho tài liệu khổng lồ không chỉ trong và ngoài nước, giúp việc phổ biến kiến thức, việc đọc trở nên thuận lợi hơn.

   CĐS thư viện mở ra cơ hội và điều kiện để phát triển nguồn tin. Mặc dù thế mạnh của các thư viện là nắm bắt được nguồn tin và kiểm soát chất lượng nội dung thông tin, tuy nhiên, tới năm 2021, mới chỉ có 64% các thư viện trong nước cho biết đã có các bộ sưu tập số (theo Điều tra về ứng dụng công nghệ thông tin của Thư viện Quốc gia Việt Nam năm 2021). Con số này cho thấy vẫn còn rất nhiều các thư viện chưa có bộ sưu tập tài liệu số. Đây là nền tảng để triển khai các hoạt động CĐS thư viện. Do vậy, xây dựng cơ sở dữ liệu số, phát triển nguồn tin vừa là cơ hội, vừa là thách thức để các thư viện từng bước thực hiện CĐS thư viện và phát triển VHĐ. Bên cạnh đó, môi trường số đã tạo ra nhiều cơ hội cho sự ra đời của các xuất bản phẩm số, làm phong phú các nội dung thông tin. Các thư viện cần tận dụng, khai thác các nguồn tài liệu này bởi nếu không vai trò của các thư viện cũng sẽ dần được dịch chuyển cho các loại hình thư viện mới như các ứng dụng đọc sách trực tuyến do các nhà xuất bản, các công ty phát triển phần mềm độc quyền. CĐS đã tạo ra cơ hội mới cho các tác giả, cũng như NDT có thể tự xuất bản và tiếp cận đến một lượng độc giả rộng lớn. Với tất cả các xu thế về phát triển nguồn tin như vậy, các thư viện cần nắm bắt và thậm chí thư viện sẽ cung cấp các dịch vụ, công nghệ và những hướng dẫn để giúp NDT có thể tham gia vào các quá trình đó.

   Cơ hội phát triển các dịch vụ chia sẻ và phân phối thông tin: Thư viện nắm bắt các vấn đề pháp lý như quyền tác giả, bản quyền và các loại hình dịch vụ thông tin để đảm bảo cung cấp các nguồn tin giá trị tới NDT. Thư viện đảm bảo an ninh thông tin, bảo vệ dữ liệu NDT, đảm bảo quyền của NDT các nguồn tin, qua đó hình thành và phát triển những thế hệ NDT tuân thủ pháp luật, đọc sách văn minh.

   Thúc đẩy sự phát triển của hệ thống thư viện các cơ sở giáo dục và đào tạo: CĐS đã thúc đẩy sự tích hợp công nghệ vào các thư viện và trường học. Thư viện số và các tài liệu trực tuyến giúp cải thiện việc tự học của học sinh, phục vụ và cung cấp dịch vụ đọc hiện đại hơn cho học sinh và đặc biệt là đối với sinh viên. Thư viện trở thành biểu tượng học thuật của các trường đại học, góp phần thúc đẩy VHĐ cho lực lượng đông đảo sinh viên. Các câu lạc bộ sách có các hoạt động lan tỏa và duy trì việc đọc không chỉ ở phạm vi trường học mà rộng ra cả cộng đồng.

   Cơ hội xây dựng những tệp khách hàng gắn bó lâu dài với thư viện thông qua việc khai thác dữ liệu và tùy chỉnh cá nhân của NDT. Các nền tảng đọc trực tuyến thường cung cấp các tính năng như đánh dấu, ghi chú và dấu trang số, cho phép NDT tùy chỉnh trải nghiệm đọc theo cách cá nhân. Đối với phương diện kích thích việc đọc, các ứng dụng tùy chỉnh còn có thể làm được nhiều điều hơn thế. Trong 5 điều Luật của ngành khoa học thư viện – cha đẻ của ngành Thư viện Ấn Độ – TS S.R.Ranganathan đã đưa ra tại điều 2 và 3 như sau: “Mỗi độc giả có cuốn sách riêng của họ” và “Mỗi cuốn sách có độc giả riêng của nó”. Đọc trong môi trường TVS cho phép NDT tìm kiếm những cuốn sách theo nhu cầu của riêng họ và ngược lại thư viện cũng có thể đề xuất cho NDT những cuốn sách phù hợp với nhu cầu của họ. Những định hướng cho các nhu cầu đọc và các nội dung đọc hướng tới phát triển VHĐ cần được đề cao ở đây. Các phần mềm ứng dụng hiện nay đã thực hiện được chức năng đó, tuy nhiên những ứng dụng này phụ thuộc vào đặc điểm công nghệ, tư duy, định hướng của nhà sản xuất (các thư viện) và những tùy chỉnh cá nhân nhưng trên hết các yếu tố riêng tư của NDT cần được đảm bảo và tôn trọng.

   Phát triển các kênh truyền thông và giao lưu NDT trực tuyến: như phần một (tham luận này) đã đưa ra các tác động tích cực của CĐS với hoạt động thư viện, các cơ hội cho việc phát triển các kênh truyền thông và giao lưu NDT cũng rất rộng mở. Ở đó, các hoạt động hỗ trợ việc đọc, phát triển VHĐ được tận dụng tối đa như các kênh hỏi đáp trực tuyến qua Facebook, Messenger, Fanpage, Instagram, nhóm Zalo và các kênh YouTube giới thiệu sách của các thư viện đã được phổ biến…

   Thách thức

   Mặc dù có rất nhiều cơ hội mở ra cho việc phát triển VHĐ trong môi trường CĐS thư viện hiện nay, một số thách thức lớn vẫn còn tồn tại cần có những nỗ lực lâu dài và bền bỉ để tiếp tục phát triển VHĐ. Đó là:

   Sự thay đổi về thói quen đọc sách truyền thống khiến cho nhiều người đã quan ngại về sự giảm tập trung, mất kiên nhẫn đối với việc đọc sách truyền thống. Việc đọc bị cạnh tranh không chỉ bởi tài liệu điện tử mà còn có vô số các loại hình thông tin khác, nổi bật như các thông tin dạng feed, reels, timeline, video ngắn trên các kênh YouTube, TikTok, Facebook… các thông tin trực tiếp (live), trò chơi trực tuyến… Do đó, việc thu hút NDT tới thư viện đọc sách gặp nhiều khó khăn.

   Sự ra đời của nhiều loại hình thông tin gây ra sự “hỗn loạn thị trường xuất bản phẩm” (10). Theo đó, có thể nhận thấy thị trường xuất bản hiện nay vẫn còn có nhiều diễn biến phức tạp. Xuất bản phẩm trong nước còn thiếu hụt lực lượng sáng tác tài năng. Lượng tài liệu tái bản cao, sách dịch tăng đáng kể. Mặc dù về số lượng tài liệu xuất bản phẩm điện tử đã có sự gia tăng, nhưng so với tài liệu in truyền thống thì vẫn còn là số lượng hạn chế, chưa phong phú về các thể loại nội dung. Trong hệ thống thư viện, nhiều thư viện cũng chưa có kho tài liệu hay cơ sở dữ liệu tài liệu số, do đó để thu hút lượng NDT đến với tài liệu số còn gặp nhiều khó khăn hay ngược lại việc đáp ứng nhu cầu đọc toàn văn của NDT còn hạn chế.

   Những chuẩn mực VHĐ trong môi trường TVS cần tiếp tục được đề xuất do sự thay đổi không ngừng của công nghệ, của các phương thức đọc và của những nguồn tin không ngừng được sinh ra mà chưa có sự phân loại, đánh giá.

   Xây dựng được các nền tảng số phù hợp cho việc đọc và triển khai các dịch vụ đọc sách đối với các thư viện vẫn là một thách thức lớn do những vấn đề chưa thể khắc phục ngay như: Sự thiếu thốn về nguồn lực tài chính, hạ tầng cơ sở công nghệ thông tin còn rất sơ sài và lạc hậu, nguồn nhân lực chưa có đủ trình độ đáp ứng yêu cầu về các kỹ năng sử dụng công nghệ…

   Năng lực hạn chế của người làm thư viện do cách thức đào tạo truyền thống, chưa kịp thời cập nhật và nâng cao trình độ, thu nhập, chế độ đãi ngộ còn thấp v.v…

   4. Cơ hội và thách thức để phát triển VHĐ trong quá trình CĐS hoạt động thư viện

   Với mục tiêu: “Ứng dụng mạnh mẽ, toàn diện công nghệ thông tin, nhất là công nghệ số nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các thư viện và hình thành mạng lưới thư viện hiện đại; đảm bảo cung ứng dịch vụ đáp ứng nhu cầu của người sử dụng; thu hút đông đảo người dân quan tâm, sử dụng dịch vụ thư viện, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập”, Quyết định số 206/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình CĐS ngành Thư viện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 là một trong những căn cứ pháp lý quan trọng định hướng hoạt động CĐS cho các thư viện. CĐS thư viện góp phần đem đến những trải nghiệm đọc mới mẻ và hấp dẫn, mở rộng phương thức tiếp cận, phổ biến tri thức và phát triển văn hóa đọc. TS Trương Đại Lượng có nhận định: “Đọc trên môi trường số là xu thế tất yếu, tuy nhiên không phải khi xuất hiện tài liệu số thì tài liệu in truyền thống sẽ mất đi và việc đọc tài liệu truyền thống sẽ biến mất. Tài liệu in và tài liệu kỹ thuật số là các định dạng bổ sung cho nhau, không thể thay thế” (11). Và theo đó, xu thế phát triển VHĐ là “không thể biến mất mà đang và sẽ trở lại và “phát triển ở mức độ cao hơn”. Phát triển VHĐ cần phải gắn liền với các loại hình tài liệu điện tử, tài liệu số, gắn với môi trường số, các thiết bị và công nghệ hiện đại. Chiến lược quốc gia về phát triển VHĐ đã đặt mục tiêu và phương hướng hành động cho các thư viện để xây dựng và phát triển VHĐ là: “Xây dựng và phát triển thói quen, nhu cầu, kỹ năng và phong trào đọc (xuất bản phẩm in và điện tử) trong mọi tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên và chú trọng tới người dân ở vùng nông thôn, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn; cải thiện môi trường đọc; góp phần nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, tăng cường ý thức chấp hành pháp luật, hình thành lối sống lành mạnh trong con người, xã hội Việt Nam, đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập” (12). Để thực hiện những mục tiêu đó, thư viện cần tiếp tục định hướng CĐS và phát triển thư viện hiện đại. Đến thời điểm này các thư viện đều nhận thức được rằng nếu chỉ duy trì hoạt động thư viện truyền thống sẽ là những bước “lùi” của thư viện. Thư viện phải là một thiết chế văn hóa đặc thù không ngừng đổi mới và phát triển. Thiết chế này không chỉ đóng vai trò “hậu phương” chăm sóc đời sống tinh thần của nhân dân mà còn là “tiền tuyến” trong lĩnh vực khai phá, cung cấp thông tin, tri thức góp phần xây dựng, thúc đẩy sự phát triển của quốc gia, dân tộc. Các biện pháp thúc đẩy VHĐ cần tích cực triển khai tiếp theo đó là:

   Một là, xây dựng chiến lược, phát triển nguồn thông tin số đa dạng và phong phú. Nguồn thông tin là yếu tố then chốt của thư viện, các nguồn lực thông tin trong thư viện đều có vai trò quan trọng. Nhưng để tăng cường VHĐ thực hiện các mục tiêu CĐS, các thư viện phải chú trọng hơn nữa việc tăng cường nguồn lực tài liệu số bao gồm việc bổ sung các tài liệu xuất bản số, bổ sung các loại hình tài liệu đa phương tiện như sách in có tương tác kỹ thuật số, Ipad kèm ứng dụng sách tranh. Tăng cường thu thập, bổ sung các nguồn dữ liệu nghiên cứu, tài liệu nội sinh dạng số, tệp tài liệu bởi đây là những nguồn tài liệu có giá trị thông tin cập nhật, có thể dễ dàng đạt được các thỏa thuận về bản quyền sử dụng cho thư viện với tác giả, chủ sở hữu nguồn tin. Cùng với đó là việc tích cực số hóa các nguồn tài liệu của thư viện (đảm bảo tuân thủ Luật Sở hữu trí tuệ và các pháp luật liên quan) để thư viện không chỉ đạt được các mục đích về bảo quản mà còn hướng tới mục tiêu phục vụ NDT.

   Hai là, đầu tư vào việc phát triển các loại hình dịch vụ thư viện trực tuyến: Phát triển các loại hình dịch vụ thư viện chính là việc tăng cường tương tác kết nối thư viện với NDT, đồng thời cũng thể hiện tính chuyên nghiệp của các thư viện. Khái niệm về dịch vụ thư viện cũng cần cởi mở hơn, theo đó các đòi hỏi các vấn đề về lệ phí và các giá trị xã hội mà thư viện đem lại cần được cân bằng. Các dịch vụ mới ví như cung cấp các tài khoản truy cập tài liệu trực tuyến, cho mượn tài liệu điện tử, giao dịch mượn liên thư viện; Tổ chức các chương trình dạng lớp học về công nghệ nhằm mục tiêu phổ biến kiến thức về công nghệ thông tin, đào tạo NDT tiềm năng; Tổ chức các khóa học định kỳ và sự kiện về VHĐ để tăng cường sự hiểu biết, tạo cơ hội tương tác và tham gia cho NDT.

   Ba là, cập nhật, tích hợp công nghệ vào hoạt động thư viện trong phạm vi tối đa có thể để liên kết các hoạt động CĐS trong lĩnh vực thư viện với CĐS của các lĩnh vực khác liên quan như: cập nhật các hình thức thanh toán từ xa, thanh toán không tiền mặt, sử dụng, tích hợp thẻ thư viện điện tử…

   Bốn là, tăng cường công tác truyền thông trong hoạt động thư viện nhằm quảng bá hoạt động của thư viện, giới thiệu vốn tài liệu, thu hút và kích thích nhu cầu đọc sách. Việc truyền thông cần được triển khai tích cực đồng bộ thông qua nhiều công cụ và phương thức khác nhau như qua các nền tảng trực tuyến, trang web chính thức, Fanpage, kênh YouTube… các hình ảnh, nội dung giới thiệu cần được biên tập kỹ lưỡng, thể hiện một cách sinh động, khéo léo, thông minh và hấp dẫn. Song song việc quảng bá, tất cả các dịch vụ, sản phẩm, tài liệu được giới thiệu phải luôn sẵn sàng và ở những trạng thái tốt nhất để đáp ứng nhu cầu của bạn đọc. Cần xác định rằng, truyền thông, tiếp thị, giới thiệu thư viện không phải là nhiệm vụ chung của thư viện mà phải là nhiệm vụ của tất cả thành viên của thư viện đó. Giới thiệu hình ảnh thư viện không chỉ là việc làm trong giờ làm việc mà còn cả sau giờ làm việc. Bởi mỗi thành viên của thư viện đều là đại diện cho hình ảnh thư viện của mình.

   Năm là, tăng cường phát triển nguồn nhân lực thực hiện CĐS thư viện và phát triển VHĐ. Đây là một trong những giải pháp và yêu cầu cấp thiết hiện nay đối với lĩnh vực thư viện. Người làm thư viện cần có đủ kiến thức và kỹ năng để quản lý và cung cấp dịch vụ TVS, hỗ trợ NDT trong việc sử dụng các nền tảng và ứng dụng trực tuyến. Đào tạo nhân lực kịp thời cập nhật các kiến thức, kỹ năng về công nghệ, về sử dụng các ứng dụng công nghệ trong hoạt động nghe, nhìn và nhất là trong phát triển nội dung số và việc đọc. Đào tạo nhân lực còn hướng tới mục tiêu cao hơn nữa là tạo ra các chủ thể, người làm thư viện luôn năng động và sáng tạo, chủ động cho các thay đổi trong lĩnh vực ngành nghề.

   Kết luận

   VHĐ mang đến niềm yêu thích học hỏi và khám phá, nâng cao trình độ, kiến thức, bồi dưỡng tâm hồn, gìn giữ và phát huy những phẩm chất tốt đẹp cho con người. Phát triển VHĐ nhằm định hướng, khuyến khích, thôi thúc cho những hành vi đọc tốt đẹp đó tạo ra bản sắc VHĐ cho mỗi quốc gia. Với nguồn tài nguyên thông tin phong phú, các loại hình tài liệu đa dạng và không ngừng thay đổi, phát triển VHĐ đặt ra những cơ hội lớn và những thách thức không nhỏ buộc các thư viện phải không ngừng thay đổi. CĐS hoạt động thư viện là bước đi cần thiết phải được các thư viện tiến hành nhanh hơn nữa, kịp thời đưa hệ thống thư viện của nước ta phát triển, đáp ứng các nhu cầu của xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển văn hóa, kinh tế, xã hội của đất nước.

Ths HOÀNG THỊ THU TRANG
Thư viện Quốc gia Việt Nam

______________________

1. Vũ Anh Tuấn, Định hướng giá trị văn hóa đọc trong thời kỳ chuyển đổi số góp phần xây dựng văn hóa công an nhân dân hiện nay, Bộ VHTTDL, Kỷ yếu Hội thảo khoa học cấp bộ phát triển văn hóa đọc góp phần xây dựng văn hóa công an nhân dân thời kỳ chuyển đổi số, 2023, tr.86-87.

2. Kilgour, Frederick, History of library computerization (Lịch sử tin học hóa thư viện), Journal of library automation, 1970, số 3, tr.218-229.

3. Ramaba, P.V., Application of information technology in libraries (Ứng dụng công nghệ thông tin trong thư viện), Ess Ess, Delhi, 2004.

4. Nguyễn Văn Thiên – Lê Thị Thúy Hiền, Những vấn đề căn bản về chuyển đổi số hoạt động thông tin thư việnKỷ yếu hội thảo chuyển đổi số và liên thông thư viện, Bộ VHTTDL, 2022, tr. 95-103.

5. Nguyễn Hoàng Sơn, Thư viện số: Hai thập kỷ phát triển trên thế giới, bài học và định hướng phát triển cho Việt Nam, Tạp chí Thông tin và tư liệu, số 2, 2011, tr.2-20.

6. Vũ Dương Thúy Ngà, Biện pháp phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng ở Việt Nam, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 4, 2010, tr.17-25.

7. Mai Hải Linh – Nguyễn Thị Ngọc, Văn hóa đọc của cán bộ nghiên cứu tại một số thư viện thuộc viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam hiện nay, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 5(79), 2019, tr.48.

8. N.K, Ngành Xuất bản cán mốc mục tiêu 6,02 bản sách/ người/ nămdangcongsan.vn, 17-2-2023.

9. Hà Thu, Xuất bản sách in giảm gần 54% trong 6 thángvnexpress.net 9-8-2023.

10. Nguyễn Huy Phòng, Thách thức trong phát triển Văn hóa đọc ở nước ta hiện nay, Tạp chí Thư viện Việt Nam, số 6(80), 2019, tr.67.

11. Trương Đại Lượng, Văn hóa đọc trong môi trường sốPhát triển mô hình trung tâm tri thức số cho các thư viện Việt Nam, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2020, tr.316-329.

12. Quyết định số: 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15-3-2017 phê duyệt Đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

__________________

* Tham luận tại Hội thảo khoa học “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 – Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” do Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật tổ chức (9/2023)

Nguồn: http://vanhoanghethuat.vn/chuyen-doi-so-trong-hoat-dong-thu-vien-nhung-van-de-dat-ra-de-phat-trien-van-hoa-doc.htm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây