CAO MUÔN RẤT GẦN

0
1027
   Ngọn núi Cao Muôn là biểu tượng cho sức mạnh quật cường, không chịu khuất phục trong chiến tranh gian khổ, ác liệt của người dân Ba Tơ anh hùng. Biểu tượng ấy giờ trở thành tên làng, tên xóm, khơi nguồn lớn mạnh cho tình đoàn kết, tinh thần sáng tạo, vượt khó vươn lên xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc của người dân địa phương.
 
   Vốn quý của làng
 
   Một ngày cuối tháng 5, chúng tôi về xã Ba Vinh (Ba Tơ) – nơi có núi Cao Muôn, nơi ngọn nguồn cách mạng. Đồng bào Hrê Ba Vinh vừa rộn ràng vui tết Ngã rạ để bắt tay vào vụ lúa mới. Nắng hạn gay gắt, nhưng những đám ruộng bậc thang ở dưới chân núi Cao Muôn vẫn ngời lên một màu xanh thẳm. Nước mát lành từ đỉnh Cao Muôn đều đặn đêm ngày chảy về chân ruộng, nuôi dưỡng mạch nguồn ấm no… 
Ruộng, rẫy xanh rì dưới chân núi Cao Muôn, xã Ba Vinh (Ba Tơ).  Ảnh: Thanh Nhị
Ruộng, rẫy xanh rì dưới chân núi Cao Muôn, xã Ba Vinh (Ba Tơ). Ảnh: Thanh Nhị

   Sau lễ cúng tạ ơn Giàng, già làng Đinh Văn Tốc (90 tuổi) vai vác cuốc, tay chống gậy cùng người vợ là bà Đinh Thị Thạc (88 tuổi) cùng nhau đi nhổ cỏ, bón phân cho đám ruộng dưới chân núi Cao Muôn, cạnh dòng Nước Nẻ. Tuổi đã cao, bước chân của đôi vợ chồng già ấy chậm, nhưng vẫn chắc chắn. Bên bờ hai thửa ruộng mà già Tốc cho rằng “quý như vàng ngọc”, ông kể về những ngày cùng dân làng làm cách mạng, cùng nhau làm ruộng, trồng keo, nuôi trâu đuổi cái đói nghèo đi về sau dãy núi. “Năm 1945, tôi mới 14 tuổi. Một chiều đang lùa trâu trên núi về thì nghe người lớn bảo có Đội du kích Ba Tơ vào làng. Rồi sau đó Đội du kích Ba Tơ rời đi. Tôi lớn thêm chút nữa cũng vào bộ đội; giờ tôi là cựu chiến binh, hưởng chế độ bệnh binh. Đời sống kinh tế không khó khăn lắm, nhưng yêu ruộng, yêu rẫy, khỏe là phải đi thăm ruộng mỗi ngày. Làm ruộng giỏi cũng là yêu quê hương Cao Muôn này”.

 
   Rồi ông Tộc kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về núi Cao Muôn nay được chọn đặt tên cho làng. Đó là vào năm 2019, khi sáp nhập hai thôn Nước Ra và Nước Om, các cụ cao niên trong làng đã họp đê chọn tên cho thôn khi sáp nhập. Không ai bảo ai, đều nhất mực chọn tên thôn là Cao Muôn. Khi xã Ba Vinh triển khai chủ trương sáp nhập thôn, về địa phương tổ chức họp dân lấy ý kiến, người dân đề đạt nguyện vọng này. “Người lớn tuổi của hai thôn đều mong muốn đặt tên thôn sau sáp nhập là Cao Muôn. Họ bảo đó là mong mỏi từ lâu rồi. Tên thôn gắn với tên núi, gắn với niềm tự hào về ngọn nguồn cách mạng thì đúng quá. Thế là xã quyết định theo nguyện vọng của nhân dân”, Bí thư Đảng ủy xã Ba Vinh Phạm Văn Nước cho hay. 
Ngôi làng của đồng bào Hrê dưới chân núi Cao Muôn, thuộc thôn Cao Muôn, xã Ba Vinh (Ba Tơ).    Ảnh: T.Nhị
Ngôi làng của đồng bào Hrê dưới chân núi Cao Muôn, thuộc thôn Cao Muôn, xã Ba Vinh (Ba Tơ). Ảnh: T.Nhị

   Thôn Cao Muôn có 183 hộ dân, 560 nhân khẩu; toàn thôn có 33 đảng viên. Hôm chúng tôi đến Cao Muôn đúng vào ngày một số đảng viên ở đây được nhận huy hiệu 30, 40 năm tuổi Đảng. Họ thực sự rất trẻ so với tuổi Đảng của mình, như anh Phạm Văn Rể, Phạm Văn Lai mới bước vào tuổi 50 đã nhận Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng. “Mình động viên con cháu phấn đấu rèn luyện, được kết nạp Đảng sớm, để thêm chín chắn, trưởng thành, xứng đáng với truyền thống cha ông. Đảng viên gương mẫu trong mọi việc, chỉ bảo, dìu dắt người làng vươn lên. Ở Cao Muôn người cao tuổi là vốn quý. Dù cao tuổi, nhưng còn sức khỏe là vẫn lao động, còn trí tuệ là phải góp ý cho con cháu”, già làng, đảng viên Phạm Văn Niên bày tỏ.

“Không còn rừng thì không còn núi xanh Cao Muôn. Cao Muôn mất rồi thì cũng như nhà mất nóc. Cái làng này cũng không còn nước uống, nước cho cây lúa trên đồng, rồi du khách cũng sẽ không về nữa. Giữ rừng cho Cao Muôn bây giờ là nhiệm vụ to lớn và cấp bách của dân làng”.
 Già làng PHẠM VĂN UÔNG
   Mạch nguồn sự sống
 
    Vụ lúa mới ở Cao Muôn đã bén rễ, xanh đồng. Cây trên núi bật lên xanh ngời vì vừa trải qua những cơn mưa dông đầu hạ. Còn lòng dân như được tiếp sức mạnh bởi chính quyền và lớp trẻ nơi đây đang tất bật cho “chiến dịch” quảng bá làm kinh tế du lịch dựa vào sức sống mãnh liệt của cội nguồn Cao Muôn. 
Đường về thôn Cao Muôn hôm nay.              Ảnh: T.N
Đường về thôn Cao Muôn hôm nay. Ảnh: T.N

   Về thôn Cao Muôn, nhiều dãy nhà sàn san sát, mái ngói đỏ tươi. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp như bức tranh sơn thủy hữu tình. Núi Cao Muôn mang hình hài một mái nhà rông khổng lồ hiện ra trước mắt chúng tôi, xanh thẳm, cao vút như chạm đến tận mây trời. Cuối con đường của thôn là dòng thác nước cao đến mấy chục mét tung bọt trắng xóa, mềm mại phun sương, rồi ầm ào nhập lại khi gặp khối đá lớn chắn dòng. Người dân ở đây gọi đó là thác Cao Muôn dưới. Cách con thác này khoảng nửa cây số về phía thượng nguồn là thác Cao Muôn trên; ngư  ời dân ở đây bảo đấy mới thực sự là con thác hùng vĩ, đúng hình dáng của ngọn núi kiêu hãnh, như lòng dân trung kiên của mảnh đất anh hùng.

 
   Hôm chúng tôi ghé thác Cao Muôn gặp rất nhiều đoàn khách du lịch về khám phá ngọn thác này. Các cô thôn nữ Hrê trong trang phục truyền thống rất đẹp, hồn nhiên, tươi trẻ, nói cười. Em Nguyễn Thị Ánh Sương, ở tổ dân phố Nước Trinh, thị trấn Ba Tơ, cho biết: “Chúng em yêu ngọn thác hùng vĩ này và rất thích khung cảnh, không khí trong lành và người dân Cao Muôn hiền từ. Vì thế, khi có dịp là cùng bạn bè, người thân về đây nghỉ ngơi, ngắm cảnh, tắm thác, gặp và trò chuyện với người Hrê bản địa rồi ăn với nhau một bữa cơm lam, muối mè, gà nướng. Chúng em đến đây nhiều lần mà chưa bao giờ thấy chán”.
 
   Ông Phạm Văn Rạch hồ hởi cho chúng tôi biết: Người dân ở đây đã sẵn sàng cho cuộc mưu sinh mới với nghề “làm du lịch” mà cha ông ở Cao Muôn chưa từng làm. Dưới chân thác, thanh niên ở đây đã dựng vài căn nhà sàn truyền thống làm chỗ nghỉ chân cho du khách, rồi bắt đầu quảng bá đặc sản gà đồi, cơm lam và xây dựng đầu mối để khách dễ dàng liên lạc, đặt trước. Những chàng trai, cô gái trong làng cũng dành dụm tiền để mua những trang phục thật đẹp, học cách ứng xử tự tin, tươi vui để đón du khách. 
Khách du lịch đến với thác Cao Muôn.        Ảnh: T.N
Khách du lịch đến với thác Cao Muôn. Ảnh: T.N

   Các vị cao niên giỏi đánh chiêng cùng nhau tập lại những điệu chiêng Ba. Năm 2020, UBND xã Ba Vinh đã tổ chức lớp truyền dạy đánh chiêng, hát ca lêu, ca choi. “Tôi thấy sự nhập cuộc cho làm du lịch “Về nguồn với Cao Muôn xanh” đã thật sự bắt đầu”, ông Phạm Văn Rạch nhấn mạnh. Còn với người làng tuổi không còn trẻ, hoặc những người vốn chỉ quen với đi rừng, làm ruộng, họ bảo sẽ làm cho rừng xanh hơn, ruộng bậc thang đẹp hơn, để du khách cảm thấy yêu mến hơn khi về với Cao Muôn.

 

THANH NHỊ

Trích nguồn: baoquangngai.vm

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây