BIỂN VIỆT NAM VÀ CÁC MỐI GIAO THƯƠNG BIỂN

0
176

   Cuốn sách “Biển đảo Việt Nam và các mối giao thương biển” là một trong những kết quả nghiên cứu của Nhóm Nghiên cứu Thương mại Châu Á (GACS), Trung tâm Biển và Hải đảo thuộc Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Cuốn sách góp phần làm sáng tỏ truyền thống khai thác biển, tư duy hướng biển, năng lực phát huy tiềm năng kinh tế, văn hóa biển của các cộng đồng dân cư ở các vùng duyên hải, biển đảo của đất nước.

   Từ thời khởi nguyên, biển đã là môi trường sống, không gian sinh tồn của nhiều cộng đồng dân tộc Việt Nam. Biển cũng là môi trường tiếp giao, cửa ngõ hướng ra đại dương, hướng tới các giá trị kinh tế, văn hóa, đồng thời cũng là không gian đón nhận nhiều sinh lực sáng tạo mới của người Việt. Do tác động của nền kinh tế hải thương, vào thế kỷ XVI – XVIII, đời sống xã hội Việt Nam đã có nhiều khởi sắc. Một số cảng thị như: Phố Hiến, Thanh Hà, Hội An, Nước Mặn, Cù Lao Phố, Hà Tiên… có sự phát triển vượt trội và trở thành những mô hình cảng thị mới trên cơ sở những hoạt động và mối liên kết kinh tế rộng lớn với thị trường Châu Á- Châu Âu. Được kích hoạt bởi những giao lưu kinh tế Đông – Tây, ở trong nước đã có sự xuất hiện của một số giai tầng xã hội mới và chính họ đã làm thay đổi cấu trúc xã hội, tư duy kinh tế truyền thống. Trải qua hàng ngàn năm, nhiều cộng đồng dân tộc Việt Nam đã bám biển, kiến lập nhà nước, dựng xây các công trình kiến trúc kỳ vĩ từ những chất liệu, nguồn lực, tiềm năng của đại dương.

   Ngoài phần mục lục và lời nói đầu thì cuốn sách gồm có ba phần chính. Phần 1: Từ một truyền thống hải thương, với các nội dung: Từ huyền thoại về biển đến cơ tầng văn hóa biển – nhận thức về biển đảo trong nghiên cứu lịch sử, văn hóa dân tộc; thương cảng Vân Đồn và hệ thống cảng biển bến vùng Đông Bắc; Các thương cảng vùng Nghệ – Tĩnh và giao thương khu vực thế kỷ X – XIV; hệ thống cảng biển thời đại Champa; Thị Nại – Vijaya trong bối cảnh quan hệ khu vực Đông Nam Á thế kỷ X – XV; Óc Eo – Phù Nam vị thế lịch sử và các mối quan hệ khu vực. Phần 2: Vai trò, vị thế biển Việt nam có các nội dung: Biển với lục địa – Biển Việt Nam trong các không gian biển Đông Nam Á; vai trò của Việt Nam trong các tuyến hải thương châu Á; xã hội Đại Việt thế kỷ XIII – XV và các mối giao lưu gốm sứ khu vực Đông Á; quan hệ của vương quốc Ryukyu với Đại Việt thế kỷ XVI – XVIII qua một số nguồn tư liệu; hệ thống thương cảnh miền Trung nhìn từ các không gian kinh tế; quan hệ giữa các quốc gia Đông Á thế kỷ XVI – XVII. Phần 3: Việt Nam và thời hoàng kim của hải thương châu Á, với nội dung: Phố Hiến và Domea trong hệ thống thương mại Đàng Ngoài thế kỷ XVI – XVII; hoạt động thương mại của người Hoa và người Nhật Bản ở Đàng Ngoài thế kỷ XVII – XVIII; xã hội Đại Việt và giao lưu gốm sứ Việt – Nhật thế kỷ XVI – XVII; giao thương giữa miền Trung Việt Nam với Nhật Bản và Châu Á thế kỷ XVI – XVIII; quan hệ Việt Nam – Nhật Bản truyền thống một cách nhìn từ các không gian biển; mạng lưới giao thương Đông Á trước thời đại mở cửa và những hệ quả phát triển – trường hợp Hội An. Cuối trang sách là phần biên mục tài liệu tham khảo.

   Cuốn sách Biển đảo Việt Nam và các mối giao thương biển có 749 trang, khổ 14,5×20,5cm do tác giả Nguyễn Văn Kim chủ biên, ấn phẩm được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội phát hành cuối năm 2019, được xem là một tài liệu nghiên cứu có giá trị về địa lý, khảo cổ, lịch sử, văn hóa, ngoại thương của Việt Nam./.

                                                                                         Minh Tuấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây