ANH HÙNG DÂN TỘC TRƯƠNG ĐỊNH

0
330

   Trương Định hay Trương Công Định, Trương Đăng Định sinh ra tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Cha ông là Lãnh binh Trương Cầm, từng là Hữu thủy Vệ úy ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị từ năm 1841 đến năm1847.

   Năm 1844, Trương Định theo cha vào Nam. Năm 1850, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của tướng Nguyễn Tri Phương, Trương Định xuất tiền chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền ở Gia Thuận (Gò Công), vì thế, ông được nhà Nguyễn bổ làm Quản cơ, hàm chánh lục phẩm. Tháng 2 năm 1859, quân Pháp đánh chiếm thành Gia Định. Sau đó, Trương Định đem quân đồn điền của mình lên đóng ở Thuận Kiều, Gia Định và từng đánh thắng Pháp ở điểm Cây Mai, Thị Nghè… Đầu năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ hai, Trương Định đem quân phối hợp với binh lính của tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa. Khi đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông lui về Gò Công. Tại Gò Công, Trương Định tiếp tục chiêu mộ quân ở quanh vùng lên đến hơn chục ngàn người.

   Năm 1862, triều đình Huế ký điều ước Nhâm Tuất, cắt ba tỉnh miền Đông là Biên Hòa, Gia Định, Định Tường cho Pháp, ra lệnh cho Trương Định bãi binh, nhưng ông khước từ. Trương Định tiếp tục chỉ huy nghĩa quân chống Pháp xâm lược, quân dân suy tôn ông là Bình Tây Đại Nguyên Soái, lấy Gò Công làm bản doanh, xây dựng căn cứ địa kháng chiến. Năm 1864, quân Pháp liên tiếp càn quét nghĩa binh, sau đó đánh vào bản doanh của Trương Định tại Đám Lá Tối Trời (nay là huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), Trương Định bị thương nặng và ông đã rút gươm tuẫn tiết.

   Vua Tự Đức đã truy tặng ông phẩm hàm, cho lập đền thờ tại làng Tư Cung năm 1871, giao cho quan tỉnh Quảng Ngãi tếtự. Trương Định là hình ảnh tiêu biểu của nhân dân Gò Công, nhân dân Nam Bộ bất khuất chống giặc Pháp xâm lược vào thời điểm chúng vừa đặt chân lên đất nước ta. Ông cũng là người con ưu tú, góp phần làm rạng rỡ quê hương Quảng Ngãi kiên cường.

   Để tri ân anh hùng dân tộc Trương Định, năm 2007 Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi cho chủ trương xây dựng đền thờ tại làng Tư Cung để thờ phụng, hương khói. Tại tỉnh Tiền Giang, di tích Mộ và đền thờ Trương Định ở Gò Công đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là di tích cấp quốc gia ngày 30/8/1987 và đền thờ Trương Định tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông được công nhận là di tích cấp quốc gia năm 2004.

   Tại Quảng Ngãi, di tích Nhà thờ, dinh thờ và vườn nhà Trương Định tại các xã: Tịnh Thiện, Tịnh Hòa, Tịnh Khê – thành phố Quảng Ngãi đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi công nhận bảo vệ di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 1625/QĐ-UB ngày 01/7/1996. Đền thờ anh hùng dân tộc Trương Định tại xã Tịnh Khê đã được xếp hạng di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 824/QĐ-UBND ngày 9/6/2014.

   Cuốn sách “Anh hùng Trương Định” do Nhà xuất bản Giáo dục ấn hành năm 1976, được xem là tài liệu lịch sử quý giá, xuất bản khá sớm ở nước ta phục vụ cho độc giả và các nhà nghiên cứu lịch sử thời kỳ đầu chống Pháp ở Nam bộ. Hiện nay, cuốn sách này đã được Thư viện Tổng hợp số hóa và đăng tải trên Website thuvienquangngai.vn, mục địa chí để tiện cho độc giả truy cập tìm đọc một cách nhanh nhất.

   Cảm ơn đọc giả và quý vị đã quan tâm theo dõi tin tức anh hùng dân tộc Trương Định do Thư viện Tổng hợp thực hiện.

    Thân ái chào tạm biệt quý vị, hẹn gặp lại quý vị trong các bản tin tiếp theo./.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây