Trong máu đổ, đạn bay, có những “tượng đài chữ nghĩa”

0
670
 

   Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn là những trang nhật ký của người lính. Khi cái chết cận kề, tiếng nói con người vang lên trung thực nhất”

   “Mặt trận Lao Bảo, tháng 5/1967… Đơn vị đến ngày 30/12/66 bị B52 đánh gần Động Voi Mẹp nhưng không việc gì, sau vào Động Sa Mù, bản Bụp thuộc huyện Sa Lít – Xa Ki. Lúc này mình cùng bộ phận vào nghiên cứu Lao Bảo, cái nhà lao phát xít trước kia từng đày ải những người anh, người đồng chí trong thời kỳ chống Pháp…(…) Những ngày sống trên cánh rừng này, mình đã vượt qua bao nhiêu thử thách. Mình nhớ có một lần đang ngủ, một con cọp mò đến cách đầu võng năm mét thì may thay có cậu Tiến y tá phát hiện được, nện cho một viên đá thế là nó cút mất”. Đó là những dòng nhật ký chiến sĩ Hoàng Công Sơn in trong tập 1 – một trong những trang viết sinh động, rõ nét về ký ức chiến trường. Từng địa danh, cung đường, ngày tháng của mấy mươi năm trước trở lại, dẫn dắt người đọc theo cuộc hành quân của các anh từ Hà Nội đến chiến trường Quảng Trị.

Nhật ký thời chiến Việt Nam - công trình 16 năm của đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng và các cộng sự
Nhật ký thời chiến Việt Nam – công trình 16 năm của đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng và các cộng sự

   Từ quyển nhật ký Mãi mãi tuổi hai mươi của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc, Nhật ký Đặng Thùy Trâm (phát hành cùng năm 2005), đến nay, nhà văn Đặng Vương Hưng cùng các cộng sự vẫn âm thầm sưu tập những tư liệu quý giá từ gia đình các liệt sĩ, cựu chiến binh, nguồn lưu trữ cả trong và ngoài nước.

“Những người lính hành quân vượt Trường Sơn năm xưa, những sinh viên Hà Nội nhập ngũ vào chiến trường Quảng Trị, rất nhiều người đã không trở về. Mỗi trang viết là một số phận của người lính” – nhà văn Đặng Vương Hưng nhớ lại. 

   Từ chiến trường, câu chuyện cận kề sự sống và cái chết, của “những trận bão lửa trút xuống đầu thù”, cả tình yêu, những giấc mơ đẹp đã được ghi chép lại chân thật trong nhật ký của liệt sĩ Trần Danh Hải, Trần Minh Tiến, cựu chiến binh Nguyễn Văn Thân (đã mất năm 2001)…

   Khổ luyện cùng những đêm mưa rừng không ngủ/ Những người lính “chân đồng vai sắt”/ Sông Bến Hải đầy máu và nước mắt/ Khi sự sống và cái chết cận kề/ Mẹ ơi! Quê hương ơi!/ Nếu con không trở về/ Những ngày cuối cùng... Những trang viết còn dang dở như khúc bi tráng để lại cho đời sau thổn thức cùng tình yêu, chia ly, sự hy sinh, ước vọng hòa bình…

   “Không có gì mang tính chính xác về cuộc chiến tranh hơn là những trang nhật ký của người lính. Bởi họ viết ngay tại chiến trường, viết những gì mà họ muốn nói nhất, khi biết rằng có thể họ mãi mãi không trở về với gia đình, với quê hương. Họ viết trong đói khát, bom đạn, chết chóc. Khi cái chết cận kề, tiếng nói con người vang lên trung thực nhất. Và sự trung thực ấy đã minh chứng tình yêu đất nước, yêu độc lập tự do không hề khiếp sợ, và sự dâng hiến trọn vẹn cho đất nước” – nhà văn Nguyễn Quang Thiều cảm nhận. 

   Những giọt nước mắt đã rơi xuống trong buổi trò chuyện về bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam. Mỗi trang viết đều là “sự linh thiêng của những người đã ngã xuống”. Vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ liệt sĩ vô danh mà cuộc đời họ không được kể lại. Thì những trang nhật ký của đồng đội như lời kể hộ về những năm tháng gian khổ, khốc liệt ở chiến trường. Dù ở bất kỳ mặt trận nào, người lính vẫn chung một tinh thần kiên cường, quả cảm. 

   Ngoài nhật ký của các liệt sĩ, cựu chiến binh lần đầu tiên được công bố, công trình tập hợp cả các tác phẩm đã được xuất bản trước đó: Nhật ký chiến trường (Dương Thị Xuân Quý), Nhật ký chiến tranh (Chu Cẩm Phong), Nhật ký Bê trọc (Phạm Việt Long), Nhật ký đi B (Triệu Bôn), Những ngày trong vòng vây (Trần Mai Hạnh), Tây Tiến viễn chinh (Trần Duy Chiến)…

Buổi trò chuyện về Nhật ký thời chiến Việt Nam diễn ra sáng 5/7
Buổi trò chuyện về Nhật ký thời chiến Việt Nam diễn ra sáng 5/7

   Cựu chiến binh, phó giáo sư – tiến sĩ Hà Minh Hồng nói rằng, những người lính như ông viết nhật ký chỉ là cách ghi chép lại những điều mình nghĩ, về từng ngày tháng đi qua như một liệu pháp tinh thần. Cả ông và đồng đội đều không nghĩ rằng đến một lúc nào đó, những trang nhật ký viết vội ấy có thể trở thành di sản. Không chỉ là giữ gìn ký ức về những cuộc chiến tranh, mà đó có thể còn là di sản văn hóa. Đại tá – nhà văn Đặng Vương Hưng gọi Nhật ký thời chiến Việt Nam như “một tượng đài di sản phi vật thể”. 

   Bộ sách có giá trị ở nhiều góc độ: chính trị, lịch sử, văn hóa… Trong đó chứa đựng những không gian văn hóa, phương ngữ đặc trưng của từng vùng miền qua cuộc hành quân; cảnh sống, sinh hoạt của đồng bào miền Bắc trong những năm chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ; hình ảnh mũ rơm, hầm ếch, giao thông hào, đèn dầu hỏa “chui vào” ống tre/nứa/hộp gỗ rọi lên trang sách trẻ thơ, lên cối giã gạo nuôi quân…

   Bộ sách (hơn 4.000 trang) gồm nhật ký – tác phẩm của 30 tác giả, hầu hết là của các nhà văn, chiến sĩ từng tham gia kháng chiến chống Mỹ. Nhà văn Đặng Vương Hưng bày tỏ tâm niệm muốn tiếp tục tìm kiếm tư liệu, nhật ký của các chiến sĩ tham chiến ở chiến trường phía Nam, thậm chí là ở “phía bên kia” chiến tuyến. “Những người lính ngã xuống, dù ở bên nào cũng đều là nỗi mất mát không thể bù đắp được cho người thân. Thêm vào bộ sách những trang nhật ký từ phía bên kia chiến tuyến để góp phần hàn gắn vết thương chiến tranh, hòa hợp dân tộc vào bảo vệ hòa bình thế giới” – nhà văn tâm sự. 

Lục Diệp
Nguồn: https://www.phunuonline.com.vn/

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây