THƠ VĂN NGUYỄN BỈNH KHIÊM (Tuyển tập)

0
941

   Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) huý Văn Đạt, tự Hanh Phủ, hiệu Bạch Vân cư sĩ, người làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương, nay thuộc xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Xuất thân từ một gia đình trí thức Nho học, cha là Nguyễn Văn Định có văn tài, học hạnh. Mẹ là Nhữ Thị Thục, con thượng thư Nhữ Văn Lan, thông tuệ, giỏi văn chương, am tường lý số. Nguyễn Bỉnh Khiêm thông minh, hiếu học, từ nhỏ đã được mẹ đem thơ quốc âm và kinh truyện ra dạy, lớn lên ông vào Thanh Hoá, theo học bảng nhãn Lương Đắc Bằng, được thầy truyền thụ môn học Dịch lý và sách Thái Ất thần kinh.

   Nguyễn Bỉnh Khiêm lớn lên vào lúc xã hội loạn lạc nên ẩn chí, đợi thời, không chịu ra thi. Sau này, nhà Mạc thay nhà Lê, tình hình xã hội ổn định, ông mới ra ứng thi, đậu trạng nguyên (1535), rồi làm quan với nhà Mạc, bấy giờ ông đã 45 tuổi. Làm quan ở triều đình được 8 năm (1535-1542), thấy gian thần hoành hành, bè phái, triều chính ngày một xấu thêm, ông dâng sớ xin chém 18 lộng thần, không được chấp nhận, bèn thác cớ xin trí sĩ. Về sau, vì sự ràng buộc của nhà Mạc với các sĩ phu có uy vọng, nên ông trở lại tham gia triều chính với cương vị như một cố vấn. Vì thế, hoạn lộ của Nguyễn Bỉnh Khiêm từ Lại bộ Tả thị lang, Đông các đại học sĩ, trải thăng đến Lại bộ Thượng thư, Thái phó, Trình Tuyền hầu, rồi lại gia phong Trình quốc công nên đời thường gọi là Trạng Trình. Mãi đến ngoài 70 tuổi, ông mới thực sự treo xe, treo mũ từ quan.

   Thời gian sống ở quê nhà, bên bờ sông Tuyết Hàn, Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân, lấy đạo hiệu là Bạch Vân cư sĩ mở trường dạy học, rồi lập quán, xây cầu, dựng chùa, mở chợ, trồng cây… Ông có nhiều học trò nổi tiếng, như Nguyễn Quyện, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Nguyễn Dữ, v.v… người thờ Mạc, người theo Lê, người suốt đời ẩn dật. Ông được người đương thời tôn kính như bậc thầy. Ngoài triều Mạc, họ Trịnh, họ Nguyễn đều có sai sứ đến hỏi ý kiến ông về những việc hệ trọng. Tháng 11 năm Ất Dậu (1585) ông qua đời, hưởng thọ 94 tuổi, học trò truy tôn là Tuyết giang phu tử. Tác phẩm của Nguyễn Bỉnh Khiêm có Bạch Vân quốc ngữ thi tậpBạch Vân am thi tập và một số bài văn chữ Hán.

   Tiêu biểu trong số những bài thơ đặc trưng trong phong cách thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm có bài thơ Nhàn, với nội dung ca ngợi niềm vui trong cảnh sống thanh nhàn. Qua đó có thể thấy sự chân chính, thanh cao và sự mộc mạc giản dị của ông.

“Một mai một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dầu ai vui thú nào
Ta dại, ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Rượu đến cội cay ta sẽ uống
Nhìn xem phú quí tựa chiêm bao.”

   Cuốn sách “Thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm Tổng tập” được Nhà xuất bản Văn học tổ chức bản thảo, in ấn, phát hành năm 2014, sách dày 1.647 trang, khổ 14,5×20,5cm. Ngoài lời nói đầu; quy cách biên soạn thì nội dung cuốn sách chia làm hai phần chính. Phần 1 nói về cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Bỉnh Khiêm; niên biểu Nguyễn Bỉnh Khiêm; về văn bản tác phẩm Nguyễn Bỉnh Khiêm. Phần 2 tập trung giới thiệu thơ văn Nguyễn Bỉnh Khiêm có Bạch Vân am thi tập với 582 bài thơ chữ Hán và 151 bài thơ chữ Nôm có Bạch Vân thi tập. Cuối tập sách là phận Phụ lục ghi lại nội dung về Trạng nguyên Trình Quốc công sấm kí; Sấm kí Trạng Trình và tài liệu tham khảo.

   Độc giả có thể tham khảo sách tại Thư viện Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, 103 Hùng Vương, thành phố Quảng Ngãi./.

Minh Tuấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây