Trang chủ Tin tức “Thánh đường” của các “mọt sách”

“Thánh đường” của các “mọt sách”

0
1926

    Mỗi người thường có một địa chỉ văn hóa thân thương nhất của mình. Với tôi, đó là Thư viện Quốc gia Việt Nam, tọa lạc ở 31 đường Tràng Thi, Hà Nội. Ngay khi tới Hà Nội ở “tuổi trăng tròn”, tôi đã nghe nói tới Thư viện Quốc gia Việt Nam, nhưng vì nhiều duyên cớ khác nhau, tôi chưa vào đó được. Dù vậy, tôi bao giờ cũng đinh ninh rằng ấy là một “thánh đường” thiêng liêng bậc nhất, một ngôi chùa thánh thiện hàng đầu, một tiên cảnh khiến cho lòng mình thanh thản…

    Bấy giờ, đối tượng phục vụ của Thư viện Quốc gia Việt Nam là các nhà nghiên cứu và một số cán bộ yêu thích sách báo, được cơ quan viết giấy giới thiệu như một bảo đảm đường hoàng. Ngoài ra, những sinh viên năm cuối, được nhà trường cam kết bằng văn bản, mới được vào đọc sách báo trong thư viện. Sách thì không cho mượn. Dĩ nhiên trừ vài ba biệt lệ, với sự bảo lãnh nghiêm ngặt của các cấp có quyền. Lần đầu tiên bước qua cổng thư viện, tôi hồi hộp như thuở nhỏ, cũng lần đầu tiên, được theo chị lên chùa, nơi quê hương xa ngái. Phần hãnh diện, mình cuối cùng đã là người lớn, đã đủ tiêu chuẩn về kiến thức, về đạo đức, về nhân phẩm, nghĩa là đủ tư cách tối thiểu, để được vào thụ hưởng những tinh hoa văn hóa và khoa học của đất nước mình và toàn nhân loại. Phần le lói chút lo âu, mình có thể vô tình có những sơ ý, không tương xứng với nơi có lẽ không thể văn minh và tôn nghiêm hơn được nữa. Chẳng bao lâu sau, chính thư viện – “Thánh đường” mở mắt cho tôi về cái kiêu ngạo “quan trọng hóa vấn đề” trẻ con, cố tật vẫn nhan nhản trong xã hội chúng ta từ bấy tới giờ. Hóa ra các vị cán bộ nghiên cứu, bây giờ là giáo sư và tiến sĩ, không phải tất cả đều là “thánh nhân” như tôi vẫn nghĩ. Một số vị đúng là tài đức vẹn toàn, thực sự say mê khoa học. Còn không hiếm trong họ là những kẻ “tham nhũng” thời gian. Họ có mặt ở nơi làm việc chút đỉnh. Phần lớn giờ hành chính, họ ở thư viện, đọc báo qua loa, ra ngồi quán nước hay tán gẫu bạn bè. Trong lúc ở “nhà”, ai cũng tưởng họ đang đăm chiêu tư lự trên những đề tài ích nước lợi dân. Hiếm hoi là những vị núp bóng nghiên cứu để tìm nửa kia của đời mình. Người viết từng mấy lần được các nữ sinh nhờ “cứu” khi đến thư viện bị các “nhà nghiên cứu” bám lấy để tán tỉnh.

 

    Thư viện lưu giữ lại trong tôi nhiều chuyện cảm động. Dạo ấy, tác phẩm của nhóm Tự lực văn đoàn chưa được phổ biến rộng rãi, nên chỉ một số nhà nghiên cứu được đọc ở phòng đọc hạn chế. Tôi không nén nổi tò mò, nên đánh bạo vào phòng giám đốc thư viện, trình bày nguyện vọng của mình. Giám đốc thoạt đầu sững người, có lẽ vì sự táo tợn của một phó thường dân trẻ tuổi muốn phá vỡ cấm kỵ hiển nhiên bao giờ cũng đúng! Bình tĩnh trở lại, ông hỏi qua tôi làm việc gì, là người Hà Nội hay người tỉnh lẻ. Biết tôi đang là công nhân xây dựng, người tỉnh nhỏ, ông bỗng mỉm cười, không ra thích thú, cũng không ra chế giễu. Ông cúi xuống, trịnh trọng ghi vào một mảnh giấy nhỏ và ân cần đưa cho tôi: “Trường hợp đặc biệt, đề nghị cho vào đọc”.

    Thời gian vào phòng đọc hạn chế, tôi được hưởng rất ít, vì tôi chỉ đến đấy sau giờ làm việc buổi chiều. Tôi chọn những quyển sách mỏng để đọc. Tôi thực sự ngỡ ngàng khi lần giở tiểu thuyết “Tố Tâm” của Song An Hoàng Ngọc Phách. Trước đó, những năm nhỏ tuổi ở quê, tôi thường tích cóp tiền mẹ cho hay tiền mừng tuổi, thời ấy hiếm lắm, để mua sách đọc. Sách tôi có được chủ yếu là sách dịch, như “Ơ-giê-ni Grăng-đê”, truyện ngắn “Sê-khốp”, “Tam quốc diễn nghĩa”, “Thủy hử”, “Sông Đông êm đềm”, “Chiến tranh và hòa bình”,… Tác phẩm văn học Việt Nam, tôi mới đọc “Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam” của Nguyễn Đổng Chi, “Dế mèn phiêu lưu ký” của Tô Hoài, “Cái lu” của Trần Kim Trắc, “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” của Nguyễn Huy Tưởng… Tất cả như lu mờ trước “Tố Tâm” của Hoàng Ngọc Phách, một thế giới mới lạ, xinh xắn và tươi mát lạ lùng. Tôi say mê đọc cuốn sách với nhiều xúc động và trân trọng. Câu chuyện, ngôn ngữ, ý nghĩ, cảm xúc, nhất là diễn biến tâm lý của các nhân vật, chủ yếu là của người kể chuyện, diễn ra thật tự nhiên và gần gũi. Không có gì thiếu hay thừa, cuốn sách như một chuyện thật, được kể lại điềm tĩnh, nhã nhặn dù kìm nén. Nguyên điều này đã khiến độc giả trân trọng và tin tưởng câu chuyện và tác giả. Như phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả các tác phẩm lớn, “Tố Tâm” cũng có vẻ không cố ý, không cần gắng sức mà vẫn khắc họa được một đôi nhân vật điển hình, phản ánh được một vấn đề cơ bản nào đó của xã hội, ghi lại được đôi tâm tư chủ chốt của thời đại. Hai nhân vật chính, Tố Tâm và Đạm Thủy, những người lương thiện và giữ gìn nhân phẩm, đặt ra những vấn đề đáng suy ngẫm. Ví dụ, tình yêu trai gái tồn tại và phát triển trên cơ sở đồng điệu, về những gì thiết cốt và đẹp đẽ của tâm hồn. Nền tảng của tình người và của mọi quan hệ xã hội là tinh thần trách nhiệm. Cho nên, thông điệp của “Tố Tâm” vẫn thật thời sự…

    Hồi đó, Hàn Mạc Tử còn bị hiểu nhầm, tác phẩm của ông dĩ nhiên chưa được công bố ở miền Bắc. Đôi lần, tôi nghe loáng thoáng nên biết những vần thơ kỳ ảo của ông. Tôi đã được hưởng một đặc ân của Thư viện quốc gia Việt Nam là đọc “Đây thôn Vĩ Dạ” hay “Mùa xuân chín”… của ông qua những bản microfilm, một mình trong một phòng tối. Tôi đã run rẩy theo những dòng chữ sáng lên như những dòng chữ thần. Cứ như một vị thần biết mình háo hức đọc, nên ung dung viết từng dòng thơ cho mình vậy. Sao anh không về chơi thôn Vỹ/ Nhìn nắng hàng cau, nắng mới lên… Rồi Chị ấy năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông trắng nắng chang chang… Đọc mà ngây ngất đến lạ. Đúng là “giản dị, xúc động và ám ảnh” (Tiêu chí thơ hay, Trần Đăng Khoa). Tôi thường đặt hai kiệt tác này của Hàn Mạc Tử bên cạnh ba bài thơ thu của Nguyễn Khuyến. Năm áng thơ chẳng khác gì những bức tranh ghép mảnh. Tưởng được ghép ngẫu nhiên, thực ra, chúng gắn kết khăng khít thành một thể thống nhất và mỗi bức tranh ghép đó mênh mông, thăm thẳm những nỗi niềm khó tỏ. Những nỗi niềm gan ruột, khó tách bạch, hòa quyện vào nhau, cộng hưởng thành những thăng hoa thánh thiện, mà chỉ những người thực sự hiểu yêu đời, thực sự hiểu yêu thơ mới cảm nhận được và cảm nhận hết tầm…

    Thời gian đến thư viện là eo hẹp. Nhưng tôi vẫn tiến hành được những cuộc chu du khá thú vị. Vào khoa học tự nhiên, khoa học xã hội. Đến những vùng đất xa lạ. Ví như châu Mỹ Latinh, với những chuyện “kinh dị” ít gặp. Nhật Bản với thơ hai-ku hút hồn một cách bí ẩn và thời Minh Trị khai sáng lẫy lừng và bất tử một cách khó tin nổi, trong tiền đề chung “Vua là con trời” của xã hội phương Đông rộng lớn lúc ấy. Phần Lan “bé bỏng”, “đất nước của hồ và rừng”, Nhà tôi bên bờ nước/ Bọt bắn lên tường nâu/ Ngày và đêm sóng vỗ/ Bụi nước tung mặt đầu… (Một bản dịch thơ Phần Lan cổ).

    Những lần chu du về “thượng nguồn” Trung Hoa gây nhiều bất ngờ và đem lại nhiều niềm vui mới lạ. Hội họa Trung Quốc luôn khiến tôi ngỡ ngàng. Thuở nhỏ, tôi từng được trường huyện tặng thưởng bức tranh “Nước non ngàn dặm”. Tranh Tề Bạch Thạch chẳng hạn, tôi đã được chiêm ngưỡng không chỉ một lần ở ngoài Thư viện quốc gia Việt Nam. Tôi gần như tình cờ phát hiện ở thư viện này một bộ sưu tập tranh cổ Trung Quốc. Những đề tài quen thuộc dĩ nhiên đều có mặt: Sơn thủy, núi non, chim muông, hoa lá, đào nương, kỵ sĩ… Tôi thường xem lại những tranh ghi lại cảnh vua quan cưỡi ngựa đi đây đi đó, các mệnh phụ được kiệu rước, con chim đậu một mình giữa hồ rộng, một nhà nho ngồi giữa đồi núi bát ngát trầm tư mặc tưởng… Các cảnh sông giữ tôi lại lâu hơn cả. Nào con thuyền ngược dòng. Nào một con thuyền nằm yên bên bến vắng. Bức tranh xao xuyến lòng tôi nhất là cảnh con thuyền ghé lại bên bờ. Người chở hàng bốc lên. Chủ nhà trên bến ra nhận. Trời hẳn rất lạnh. Xung quanh đều vắng lặng. Hai con người và chiếc thuyền khiến cho vắng lặng trở nên có sức sống, sức sống đàng hoàng… Những khoảnh khắc được các họa sĩ nâng niu và kỳ công lưu giữ lại đều chân thực. Tôi bồi hồi sống với ngàn năm xưa, ở nơi u tịch nhưng không rợn ngợp, mà điềm tĩnh tự tin. Những con người kia đều là đồng loại thân thiết. Có điều, cảm xúc đọng lại dài lâu là một nỗi u hoài. Cảm giác cô đơn thường dâng lên đến quặn thắt, hình như không lý giải nổi. Tôi đặc biệt thích thú với một bức tranh vẽ một đàn cò trắng bay qua kinh thành. Hàng trăm con cò trắng xóa, bay rợp một vùng trời bên trên phố xá… Tôi biết ấy là cảnh có thực. Họa sĩ xưa muốn tâm sự gì với muôn vật và chúng sinh?

    Phải chăng đó là ước mơ thuần khiết và liêm chính, để những “mọt sách” thả hồn phiêu lãng và nghĩ về những điều cốt tử trong đạo làm người…

Nhà văn ĐƯỜNG THI
Nguồn: http://ct.qdnd.vn

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây