NHỮNG CÂU CHUYỆN TỪ NHÀ TÙ CÔN ĐẢO

0
919

   Giáo sư sử học Trần Văn Giàu đã nhận xét: “Nhà tù Côn Đảo thời Pháp thuộc đã là nhà ngục trần gian rồi, đến thời Mỹ ngụy, là địa ngục trong địa ngục, và nói vậy cũng chưa vừa. So với cái tàn ác ở nhà tù Côn Đảo dưới chế độ Mỹ ngụy thì nhà tù của Hitle chỉ là cái ao cạn so với vực thẳm. Mỹ ngụy tàn độc hơn phát xít Hitle biết bao nhiêu lần…”

   Dưới thời Pháp thuộc cho đến cuộc kháng chiến chống Mỹ kế thúc thắng lợi, mỗi khi nhắc đến Côn Đảo là nói đến địa ngục trần gian, với một hệ thống nhà tù đủ các loại nhục hình tra tấn tàn bạo nhất.

   Cách thành phố Vũng Tàu 94 hải lý, Côn Đảo hay còn gọi là quần đảo Côn Lôn, Côn Nôn, Côn Sơn. Suốt 113 năm (1862 – 1975) đã có hàng vạn tù nhân bị giam cầm ở đây. Cho đến ngày Côn Ðảo được giải phóng hoàn toàn thì nơi này có 7,448 tù nhân, trong đó có 4,234 tù chính trị, 3,214 là thường phạm và quân phạm cùng với 494 tù nhân là phụ nữ. Trong số những tù chính trị có nhiều chiến sĩ cách mạng mà tên tuổi đã gắn liền mãi mãi với lịch sử cách mạng Việt Nam như: Tôn Ðức Thắng, Lê Hồng Phong, Ngô Gia Tự, Lê Duẩn, Phạm Hùng, Lê Văn Lương, Nguyễn Duy Trinh, Võ Thị Sáu, Phạm Văn Đồng…

   Cuốn sách “Những câu chuyện từ nhà tù Côn Ðảo” do Nhà xuất bản Văn hoá – Văn nghệ tái bản lần thứ 1 năm 2018, dày 290 trang, khổ 14x20cm. Nội dung cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều tư liệu lịch sử chân thực về các sự kiện tại nhà tù Côn Đảo. Tại đây, nhiều thế hệ chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước trong nhà tù này vẫn kiên cường, bất khuất đấu tranh với địch, sáng tạo ra nhiều phương pháp đấu tranh, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, đưa Côn Đảo từ một nhà tù biệt lập giữa biển khơi trở thành trường học cách mạng mà mỗi học viên là một chiến sĩ cộng sản trung kiên, sẵn sàng đối mặt với mọi thủ đoạn tra tấn tàn bạo của địch. Cuốn sách được chia thành 4 phần chính:

  1. Côn Đảo – Bảo tàng Cách mạng giữa biển khơi: là phần giới thiệu tổng quan về lịch sử quần đảo trước khi có nhà tù Côn Đảo cho tới ngày thực dân Pháp đặt những viên đá xây dựng đầu tiên.
  2. Côn Lôn – Hòn đảo địa ngục qua lời kể của Nguyễn Văn Nguyễn: Côn Lôn ! Côn Lôn; đời sống của loại tù phát lưu chung thân; đi lấy san hô; đàn bò không có sừng; bức thư Côn Lôn; tù nhân tự tử; các cuộc kinh lý thành tra… các nội dung được xem như một ký ức của nhà hoạt động chính trị, nhà báo Nguyễn Văn Nguyễn đăng trên báo La Lutte năm 1934.
  3. Côn Đảo trong suốt hai thời kỳ kháng chiến: Phản ánh cuộc đấu tranh kiên cường bất khuất của những chiến sĩ cách mạng, đồng bào yêu nước ở nhà tù Côn Đảo. Giai đoạn 1945 – 1954 có nội dung: Côn Đảo những ngày đầu sau cách mạng tháng Tám 1945; thực dân Pháp lập lại nhà tù Côn Đảo; vụ âm mưu đẫm máu; Côn Đảo cùng cả nước kháng chiến thắng lợi. Giai đoạn 1954 – 1975: Quyết giữ gìn khí tiết – không ngừng đấu tranh với địch; kháng chiến và cộng sản…; đấu tranh thực hiện Hiệp định Paris, trao trả tù chính trị…
  4. Những câu chuyện từ nhà tù Côn Đảo: Những câu chuyện mang đến cho chúng ta lòng tự hào về khát vọng tự do và lý tưởng cách mạng của bao thế hệ người tù Côn Đảo, với những hình thức đấu tranh vô cùng sáng tạo cho tới ngày Côn Đảo giải phóng.

   Cuốn sách “Những câu chuyện từ nhà tù Côn Đảo” mãi mãi là bản anh hùng ca cách mạng của nhân dân ta, của đất nước ta trong sự nghiệp kháng chiến giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc.

   Nhân dịp kỷ niệm 77 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2021) Thư viện Tổng hợp tỉnh trân trọng giới thiệu cuốn sách đến đông đảo quý độc giả./.

Kim Hoàng

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây