NHÀ LÊ SƠ (1428 – 1527) VỚI CÔNG CUỘC CHỐNG NẠN “SÂU DÂN, MỌT NƯỚC”

0
78

   Nhà Lê sơ trong lịch sử Việt Nam luôn có sức hấp dẫn đối với các nhà nghiên cứu lịch sử trong nước và ngoài nước, trong đó vấn đề “sâu dân, mọt nước” được xem là quốc nạn. Tác giả Trần Đình Ba cho rằng, đây là vấn đề mà bất kỳ một quốc gia nào, một triều đại nào cũng muốn bài trừ, tận diệt, đó chính là nạn tham nhũng.

   Cuốn sách “Nhà Lê sơ (1428 – 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước” của tác giả Trần Đình Ba biên soạn, Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM ấn hành năm 2016 là cuốn sách có giá trị đang được phục vụ tại Thư viện Tổng hợp Quảng Ngãi. Tác giả cuốn sách dựa trên cơ sở tư liệu lịch sử và phương pháp luận sử học đã có những đánh giá khách quan về sự nỗ lực của nhà Lê sơ trong việc bài trừ nạn “sâu dân, mọt nước” mà chúng ta gọi là vấn nạn tham nhũng hiện nay.

   Cuốn sách giúp bạn đọc nhìn nhận hiện thực lịch sử về thời Lê sơ không chỉ ở gam màu sáng mà còn ở cả gam màu tối. Đây là hiện thực lịch sử được đánh giá một cách khách quan, toàn diện. Quan điểm về tham nhũng của ngày xưa khá tương đồng với ngày nay. Đó là hành vi “biếm công vi tư”, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, bòn rút công quỹ, tư lợi và làm giàu cho bản thân. Vấn nạn tham nhũng của thời Lê sơ nhưng cũng là vấn nạn của mọi thời đại. Đương nhiên tham nhũng diễn ra chủ yếu ở những người có quyền hành, thường là “quyền cao chức trọng”.

   Sách được chia làm 3 chương. Ở chương đầu tiên, tác giả khái quát về tệ nạn tham nhũng và biện pháp xử lý tham nhũng của các triều đại trước thời Lê sơ. Thời nước Văn Lang – Âu Lạc không thấy nạn tham nhũng. Sang thời Bắc thuộc, tệ nạn tham nhũng công khai. Thế kỷ X, khi đất nước giành được nền tự chủ, không ghi nhận có nạn tham nhũng. Chỉ từ thời nhà Lý về sau là tham nhũng lại có điều kiện hoành hành.

   Chương 2 và chương 3 viết về nạn tham nhũng và biện pháp xử lý tham nhũng của nhà Lê sơ. Chương 2, tác giả đã dựng lại bức tranh về nạn tham nhũng thời Lê sơ trong 100 năm tồn tại khá chi tiết và cụ thể. Có nhân vật, có vụ việc điển hình, thực tế nạn tham nhũng được miêu tả sống động. Từ thực tế đó, dẫn tới những biện pháp xử lý nạn tham nhũng của nhà Lê sơ ở chương 3.

   Nạn tham nhũng như “Quan coi đê sợ mối làm sụp đổ đê lúc nào không hay, người đi thuyền sợ hà đục thủng thuyền lúc nào chẳng biết”. Thế nên, vấn nạn này trở thành một nhiệm vụ cấp bách trong kế sách trị nước của nhà Lê sơ, đặc biệt dưới triều Lê Thánh Tông.

   Thời Lê sơ tệ nạn tham nhũng tuy chưa phổ biến nhưng cũng đã xảy ra trên nhiều lĩnh vực, với nhiều đối tượng. Ngoài tham ô tiền của, hiện vật, còn cả tham ô về thời gian, về sức lực và về tâm linh – lợi dụng tôn giáo để làm giàu. Vì vậy, nhà Lê sơ thông qua một hệ thống các biện pháp để nỗ lực ngăn chặn tham nhũng: Kết hợp giữa răn đe, trừng phạt và giáo dục; đề cao tinh thần “dưỡng liêm” và năng lực thực hành công vụ của đội ngũ quan lại đã thu được những kết quả khả quan.

   Cuốn sách “Nhà Lê sơ (1428 – 1527) với công cuộc chống nạn “sâu dân, mọt nước” như một lời cảnh tỉnh đối với những ai có ý đồ lạm dụng chức vụ, quyền hạn để tham ô, trụt lợi. Hi vọng cuốn sách sẽ được phổ biển rộng rãi trong Nhân dân và các cơ quan công quyền hiện nay.

Võ Minh Tuấn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây