“Gỡ lỗi” cha mẹ trong giao tiếp

0
432

   Bản năng của trẻ em là rất cởi mở, dễ tiếp thu, tò mò, háo hức khám phá những điều mới mẻ, rất tháo vát và kiên trì khi theo đuổi một điều gì đó. Nếu có thể giao tiếp với trẻ sao cho phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với văn hóa và có tính tích cực thì điều này sẽ giúp xây dựng lòng tự trọng, sự tự tin ở các con.

   Thế nhưng, thế giới của chúng ta đang trong một cuộc khủng hoảng về giao tiếp. Trẻ em dành một lượng thời gian đáng kinh ngạc cho các thiết bị điện tử và chúng đang mất dần các kỹ năng truyền đạt nhu cầu bằng lời.

   Giao tiếp và trò chuyện với con là một trong những kỹ năng quan trọng nhất trong việc làm cha mẹ. Nhưng phần lớn các em đều cảm thấy tiếc nuối vì không thể nói chuyện một cách cởi mở và nhẹ nhàng với cha mẹ mình. Tại sao vậy? Bởi vì, hoặc là cha mẹ không chịu dành thời gian để lắng nghe và thấu hiểu con mình; hoặc là họ thường phản ứng thái quá và hay quát mắng, dẫn tới các xung đột không cần thiết, đồng thời tạo hố sâu khoảng cách giữa cha mẹ và con cái. Mất kết nối. Thiếu gắn bó. Không còn tin tưởng.

   “Gỡ lỗi” cha mẹ trong giao tiếp với con do Nhà xuất bản Phụ Nữ Việt Nam, ấn hành năm 2020 là nỗ lực của tác giả Linh Phan để chia sẻ những kiến thức và hướng dẫn phương pháp thực hành dành cho phụ huynh liên quan tới việc giao tiếp, trò chuyện, ứng xử với con thông qua lời nói trong đời sống hằng ngày và các tình huống cụ thể – dựa trên lý thuyết và phong cách làm cha mẹ nhẹ nhàng, ôn hòa. Cuốn sách cung cấp những thông tin đơn giản mà cần thiết về các giai đoạn phát triển của trẻ, để từ đó phụ huynh hiểu được cách tác động và giao tiếp với con sao cho hiệu quả nhất. Không chỉ đơn giản là nói sao cho con chịu lắng nghe hay lắng nghe con như thế nào, mà còn phải tôn trọng các nguyên tắc về quyền con người và quyền trẻ em. Trẻ ở các nhóm tuổi khác nhau có cách xử lý thông tin như thế nào? Các con nhận thức ra sao? Học hỏi từ đâu? Cha mẹ cần nói gì, làm gì để có thể cùng con đi một quãng đường dài, đảm bảo việc giao tiếp vừa tích cực và hiệu quả, vừa trao quyền cho con. Bạn có thể đã từng quát mắng con, và hối hận. Bạn có thể từng không tin mình đã nói với con như vậy. Không sao cả! Khi nhận biết bản thân mình cần sửa chữa cũng là lúc con đường làm cha mẹ một cách nhẹ nhàng, tích cực và tôn trọng con được mở ra.

   Hy vọng “Gỡ lỗi” cha mẹ trong giao tiếp với con sẽ truyền cảm hứng để bạn tìm kiếm và sử dụng các phương pháp tiếp cận – công cụ giao tiếp với trẻ một cách tốt nhất.

                                                                                       Minh Nghìn

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây