Đổi thay từ Dung Quất

0
1024

    Dung Quất được người dân trong nước và các nhà đầu tư quốc tế biết đến là khu kinh tế ven biển năng động, thân thiện trong thu hút đầu tư và là động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Đây cũng từng là vùng “đất lửa”, ghi dấu nhiều chiến công oanh liệt của quân và dân ta trong công cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

    Những trận đánh nổi danh

    Về lại khu đông huyện Bình Sơn vào một ngày tháng tư, tôi được nghe các cụ cao niên kể về những trận đánh của bộ đội, du kích địa phương trong kháng chiến đã được ghi danh vào sử sách. Điển hình là trận đánh giải phóng “ấp chiến lược” Đồng Trung, xã Bình Hoà năm 1965.

    Đây là ấp chiến lược điển hình của địch ở Bình Sơn, được xây dựng kiên cố bởi nhiều lớp rào vi, hào sâu, bố phòng các loại chông, mìn dày đặc, lại có nhiều chốt điểm bảo vệ như Bàu Lát, Lộc Tự Đông, đồi Tranh. Thế nên quân địch thường rêu rao: “Bao giờ nước sông Trà Bồng chảy ngược, thì cộng sản mới lấy được ấp Đồng Trung”.

Đô thị Vạn Tường tại Khu kinh tế Dung Quất được quy hoạch rất hiện đại. Ảnh: T.L
Đô thị Vạn Tường tại Khu kinh tế Dung Quất được quy hoạch rất hiện đại. Ảnh: T.L

    Tuy nhiên, vào đêm 21.6.1965, Tiểu đoàn 60, Quân khu 5 cùng Đại đội 31 của huyện Bình Sơn đã tiến công chốt điểm Bàu Lát, ấp chiến lược Đồng Trung và khu vực chợ Hàng Xoài, tiêu diệt 1 trung đội dân vệ, 2 trung đội tân trang, bắt sống nhiều tên, thu 18 súng các loại. Đến sáng hôm sau, quân địch từ quận lỵ Bình Sơn gồm 1 đại đội bảo an, 2 trung đội dân vệ, có 1 xe Jeep, 3 xe GMC và pháo binh yểm trợ kéo xuống Bình Hoà, để tiếp viện giải vây.

    Khi toàn bộ đội hình địch lọt vào trận địa phục kích của ta, Đại đội 31 chặn đầu nổ súng, tiêu diệt trung đội dân vệ đi đầu của địch. Đồng thời, các mũi chính diện, khoá đuôi của Tiểu đoàn 60 đồng loạt xung phong nổ súng đánh thiệt hại nặng đại đội bảo an của địch, bắn cháy 1 xe Jeep, 3 xe GMC và thu 23 súng các loại, bắt sống 12 tên. Trận đánh này làm cho hang ổ cuối cùng của địch ở vùng đông Bình Sơn bị quét sạch, xã Bình Hoà được hoàn toàn giải phóng và vùng đông Bình Sơn liên hoàn 9 xã không còn bóng quân thù.

    Theo Trưởng Ban Quản lý KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi Nguyễn Minh Tài, KKT Dung Quất hiện đang là một “đại công trường” lớn nhất từ trước đến nay, với sự  triển khai đồng loạt nhiều dự án (DA), nhất là DA Thép Hoà Phát Dung Quất, cũng như các DA phụ trợ cho khu liên hợp. Bên cạnh đó, bằng cơ chế chính sách ưu đãi của tỉnh đã tạo thuận lợi để tiếp tục chào đón những “làn sóng” đầu tư mới, trong đó có các DA du lịch, nghỉ dưỡng, đô thị của Tập đoàn FLC. Và đây sẽ là động lực mới cho sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh trong những năm đến.
    Tiếp sau đó, vào tháng 8.1965, bộ đội, du kích và nhân dân các xã vùng đông Bình Sơn đã làm nên chiến thắng Vạn Tường oanh liệt, đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân “Ánh sáng sao”- cuộc ra quân lớn nhất, đầu tiên của quân Mỹ ở miền Nam Việt Nam.

    Đổi thay vượt bậc

    Dung Quất hôm nay đang chuyển mình đi lên một cách mạnh mẽ. Những công trình hiện đại, khang trang nối tiếp nhau “mọc” lên trên những trảng cát trắng, hố bom do bom đạn chiến tranh để lại năm nào. Người dân nơi đây từng một thời bám đất, giữ làng, che chở cho bộ đội, du kích đánh giặc, nay lại tiếp tục góp sức cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá quê hương, đất nước; điển hình là việc di dời nhà cửa, nhường đất đai, ruộng vườn cho các dự án lớn đầu tư vào KKT Dung Quất.

 
    Sự đổi thay từ Dung Quất cũng như các xã khu đông Bình Sơn đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống, thu nhập của người dân nơi đây. Nhiều hộ dân đã chuyển đổi nghề nghiệp từ làm nông sang buôn bán dịch vụ, hoặc trở thành công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp trong KKT Dung Quất.

    Không những thế, nhờ được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt do Trung tâm hỗ trợ kỹ thuật nông lâm nghiệp Dung Quất tổ chức, nông dân trong KKT Dung Quất đã xây dựng các mô hình sản xuất có giá trị kinh tế cao, tạo thu nhập và cải thiện cuộc sống.

 
    Tại xã Bình Hoà, đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt hơn 31,6 triệu đồng/năm, tăng 15 triệu đồng so với cuối năm 2014. Cả xã đã có 700 hộ đạt chuẩn sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Hay như ở xã Bình Trị, đến nay toàn xã có 837 hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm hơn 65% so với hộ nông nghiệp…
 
 Tàu chở phôi thép cập cảng Hòa Phát Dung Quất.  Ảnh: NHƯ Ý
Tàu chở phôi thép cập cảng Hòa Phát Dung Quất. Ảnh: NHƯ Ý

    Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, sự đổi thay của Dung Quất hôm nay đã tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển vượt bậc của kinh tế Quảng Ngãi trong khoảng chục năm trở lại đây, mà dấu mốc quan trọng nhất chính là từ sau khi NMLD Dung Quất chính thức đưa vào vận hành.

    Công trình trọng điểm quốc gia này còn tạo sức lan tỏa, hấp dẫn nhiều nhà đầu tư vào Dung Quất, với hàng loạt dự án (DA) công nghiệp nặng quy mô lớn gắn với cảng biển nước sâu như Tổ hợp công nghiệp nặng Doosan (Hàn Quốc), nhà máy nhựa Polypropylene, Khu VSIP Quảng Ngãi, Khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Dung Quất và sắp đến là các DA nhà máy điện khí khai thác mỏ khí Cá Voi Xanh…

    Từ vùng đất nghèo khó, khô cằn cát bỏng năm xưa, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, KKT Dung Quất đã tạo bước phát triển đột phá cho Quảng Ngãi. Đến nay, tại KKT Dung Quất và các KCN Quảng Ngãi có 311 DA đầu tư còn hiệu lực, với tổng vốn đầu tư trên 12 tỷ USD, trong đó có 58 DA FDI và 253 DA trong nước (trên 204 nghìn tỷ đồng).

    Nơi đây đang giữ vai trò hạt nhân tăng trưởng đối với kinh tế  –  xã hội của tỉnh, khi đóng góp đến 90% sản lượng công nghiệp, kim ngạch xuất khẩu và nguồn thu ngân sách tỉnh. Đồng thời, nơi đây đang giải quyết việc làm cho trên 38.700 lao động, ngoài ra có hơn 5.000 lao động đang làm công tác xây dựng và dịch vụ trên địa bàn.

PHẠM DANH
Nguồn: http://baoquangngai.vn

 

 

 

 

 

 

 

 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây