BẢO VỆ LỢI ÍCH QUỐC GIA – DÂN TỘC CỦA VIỆT NAM TRONG THỜI ĐẠI MỚI

0
145

   Trong cách mạng giải phóng dân tộc, lợi ích quốc gia – dân tộc của nhân dân Việt Nam là giành độc lập dân tộc, làm tiền đề để đi lên chủ nghĩa xã hội. Ngày nay, trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực biến đổi mau lẹ, hết sức phức tạp, khó lường; chủ nghĩa dân tộc “thực dụng” ngày càng nổi lên trong quan hệ quốc tế, sự tùy thuộc, đan cài lợi ích lẫn nhau giữa các quốc gia càng trở nên phổ biến thì lợi ích quốc gia – dân tộc bị chi phối bởi nhiều yếu tố. Tình hình đó đặt ra yêu cầu cấp thiết, đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đầy đủ nội hàm về bảo vệ Tổ quốc, mối quan hệ biện chứng giữa các nội dung, đặc biệt là vị trí, vai trò, tầm quan trọng của vấn đề lợi ích quốc gia – dân tộc đối với sự tồn vong và phát triển đất nước.

   Để giúp bạn đọc có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn về “lợi ích quốc gia – dân tộc” từ góc độ của các học giả trên thế giới và Việt Nam cũng như những kinh nghiệm trong quá trình bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc của một số nước, đặc biệt là các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ,…, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách “Bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam trong thời đại mới” do TS. Nguyễn Việt Lâm chủ biên.

   Sách dày 343 trang, gồm 4 chương: Quan điểm về lợi ích quốc gia – dân tộc; Bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc của một số nước trên thế giới trong giai đoạn hiện nay; Cơ sở lý luận và thực tiễn đối với việc bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam; Đề xuất tham chiếu bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam trong thời đại mới.

   Trong bối cảnh mới đặt ra nhiều vấn đề đối với việc bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam, như: bảo vệ các lợi ích đi đôi với việc thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế; bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt tại khu vực Biển Đông khi mà ngày càng nhiều nước can dự vào khu vực này; xác định và xử lý các thách thức về chủ quyền trong không gian mạng/chủ quyền số; xử lý mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; các thách thức đối với duy trì đà phát triển nhanh và bền vững đồng thời bảo vệ môi trường, bảo đảm ổn định kinh tế – xã hội,… Từ đó, đưa ra một số hàm ý chính sách phù hợp với lợi ích của toàn thể dân tộc nói riêng với các cam kết, thỏa thuận, luật pháp quốc tế mà Việt Nam tham gia nói chung. 

   Cuốn sách “Bảo vệ lợi ích quốc gia – dân tộc của Việt Nam trong thời đại mới” là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc quan tâm đến  những vấn đề hiện nay./.

 Minh Tuấn 

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây